Không chủ quan với bệnh sởi có nguy cơ bùng phát
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, làm dịch bệnh có thể bùng phát, lây lan trong cộng đồng. Các bệnh thường gặp trong thời điểm giao mùa thu đông như: Bệnh sởi, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh viêm da dị ứng, bệnh viêm màng não, bệnh cảm cúm, bệnh hen suyễn, bệnh nhiễm trùng hô hấp, bệnh viêm phổi… Người già và trẻ nhỏ sức đề kháng yếu thường là đối tượng hay mắc các bệnh giao mùa, vì vậy người dân không được chủ quan, cần chủ động các biện pháp phòng tránh.
Thời gian qua, cùng với một số bệnh giao mùa như: sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh cảm cúm, bệnh hen suyễn, bệnh viêm phổi có chiều hướng gia tăng, bệnh sởi đã xuất hiện ở nhiều địa phương khiến các ca mắc tăng cao.
Như tại Hà Nội, hiện nay tình hình bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn thành phố. Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 36 trường hợp sởi xác định. Số ca mắc gia tăng nhanh trong 2 tháng gần đây với 13 trường hợp mắc tháng 9 và 20 trường hợp mắc tháng 10. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, trong đó có một số trường hợp mắc bệnh do lây nhiễm trong bệnh viện.
Trước tình hình bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương, để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, các chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi và công tác giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bệnh; chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế tổ chức thu dung, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh sởi.
Ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành y tế; thực hiện việc theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Các địa phương chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh; phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận, chia sẻ, cập nhật tình hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi. Khẩn trương tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp; không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi; tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; bảo đảm hậu cần, thuốc, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh sởi; đảm bảo vắc xin khi công bố dịch sởi; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bệnh sởi vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn có thể gây viêm nhiễm thần kinh, rối loạn cơ, hệ vận động, ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trên cơ thể. Tổn thương lên các cơ quan có thể kéo dài, thậm chí có những trường hợp kéo dài vĩnh viễn như viêm não, viêm màng não, mù lòa… Bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, có khả năng bùng phát thành dịch lớn do khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp. Trung bình 1 người mắc sởi có khả năng lây cho 12-18 người khoẻ mạnh, hoặc người chưa tiêm vắc xin.
Chủ động tiêm phòng sởi là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Tại Việt Nam, hiện có 3 loại vắc xin phòng sởi trong chương trình Tiêm chủng Mở rộng và dịch vụ bao gồm: Mũi sởi đơn, mũi vắc xin phối hợp sởi-rubella và sởi-quai bị-rubella. Trẻ nhỏ từ 9 tháng tuổi trở lên cần tiêm đúng lịch, đủ mũi vắc xin sởi.
Ý kiến ()