Không chỉ vì du lịch
Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, nó đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Đặc biệt là đối với rác thải nhựa, với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người trên toàn thế giới.
Không thể phủ nhận độ tiện dụng mà đồ nhựa mang lại cho cuộc sống con người nhưng đằng sau sự tiện dụng đấy, rác thải nhựa là một mối nguy hại cho cả thế giới loài người. Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được thu gom đưa đi chôn lấp vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm năm làm thay đổi tính chất vật lý của đất, đồng thời gây ô nhiễm môi trường đất, làm đất không giữ được nước dẫn đến tình trạng xói mòn, thiếu dinh dưỡng và oxi, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng và rất nhiều hệ lụy khác, ảnh hưởng đến sức khoẻ, môi trường sống của con người.
Rác thải nhựa được hiểu là những chất không được phân hủy trong nhiều môi trường. Bao gồm nhiều loại chai lọ, túi đựng hay đồ chơi cũ... Chất thải ni lông gồm các bao bì bằng nhựa polyethylene (PE) sau khi sử dụng trở thành rác thải. Trong rác thải sinh hoạt còn có các loại nhựa khác cũng có chứa các loại nhựa phế thải. Rác thải ni lông thực chất là một hỗn hợp nhựa, trong đó chiếm phần lớn là nhựa PE.
Nguồn gốc phát sinh rác thải nhựa là từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người như từ các chợ, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, khu dân cư, khách du lịch, chất thải nhựa sinh hoạt của công nhân trong các công trình xây dựng, cải tạo và nâng cấp, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp...
Quảng Ninh là một tỉnh ven biển. Từ ngàn đời nay, những cư dân Việt cổ định cư ở Quảng Ninh đã sống dựa vào biển, lấy biển là đối tượng khai thác, sinh tồn. Ngày nay, kinh tế biển đã và đang là trọng tâm của tỉnh không chỉ hiện tại mà còn cả tương lai. Rác thải nhựa khi thải ra đại dương dễ làm ảnh hường nghiêm trọng đến các loài thủy, hải sản, tác động xấu tới hệ sinh thái, môi trường sống của các loài hải sản.
Kể từ 1/9/2022, huyện Cô Tô triển khai thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi ni lông và các vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi tham quan Cô Tô. Việc thí điểm sẽ được triển khai trong vài tháng, sau đó sẽ tổng kết để tiến tới áp dụng chính thức quy định này. Tại Di sản thế giới Vịnh Hạ Long, từ 3 năm trước, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã thí điểm ký cam kết với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên vịnh, hộ nuôi hải sản quy định không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh Hạ Long. Theo đánh giá đã giảm được 90% rác thải nhựa dùng một lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên vịnh. Cũng với mục tiêu gìn giữ môi trường di sản, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt các chủ doanh nghiệp, hộ tư nhân nuôi hải sản và các nhà bè dịch vụ trên vịnh phải thay thế phao xốp bằng phao composit. Nhờ vậy đã hạn chế rất nhiều rác thải, xốp vỡ trôi nổi ra môi trường. “Du lịch Quảng Ninh nói không với rác thải” hiện đang là khẩu hiệu hành động và quyết tâm của tỉnh trong hành trình phát triển du lịch bền vững.
Tuy nhiên, không chỉ vì du lịch, một môi trường sống sạch không rác thải nhựa là mục tiêu chúng ta cần hướng đến. Trên thực tế, ở các khu dân cư đã có những quy định rõ về phân loại rác thải ngay từ đầu nguồn, giống như ở các nước tiên tiến đã làm. Nếu chúng ta thực hiện tốt điều này và có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng không chỉ ở gia đình mình mà cả nơi công cộng thì chắc chắn vấn đề rác thải nhựa sẽ được kiểm soát một cách tốt nhất.
Ý kiến ()