Khi tiết kiệm, chống lãng phí đi vào Quy chế
Lâu nay, câu chuyện tiết kiệm trong các cơ quan công sở tuy đã được đề cập nhiều nhưng dường như mới chỉ dừng lại ở việc phát động, kêu gọi là chủ yếu. Những giải pháp thiết thực, cụ thể cho việc thực hành tiết kiệm trên thực tế chưa được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phục vụ sự phát triển của chính các cơ quan, đơn vị, địa phương. Với những lý do đó, việc UBND tỉnh ban hành Quy chế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên ngân sách nhà nước không chỉ thực sự cần thiết, ý nghĩa trong bối cảnh khó khăn hiện tại mà còn truyền tải thông điệp kiên quyết xoá bỏ triệt để tư tưởng “xả láng” với của công.
Tại Quy chế này, 7 việc phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được nêu rõ, bao gồm: Sử dụng biên chế, tiền lương; sử dụng xe ô tô; trong việc mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc; chi phí văn phòng phẩm và sử dụng điện thoại; trong chi tiếp khách và tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo; đi công tác trong và ngoài nước; trong sử dụng điện. Đáng chú ý, với mỗi việc đều được chỉ ra hết sức cụ thể, rõ ràng về nội dung phải thực hiện; do đó, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ không thể xây dựng chương trình hành động thực hiện theo kiểu chung chung.
Như ở điều 9 của Quy chế về việc tiết kiệm chống lãng phí trong sử dụng điện nêu: Máy điều hoà nhiệt độ chỉ sử dụng trong mùa nóng, hạn chế sử dụng trong mùa mưa và những ngày mát trời, tắt điều hoà nhiệt độ, quạt, đèn chiếu sáng khi không sử dụng... Hay như ở điều 7 về tiết kiệm chống lãng phí trong chi tiếp khách và tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo đã quy định: Đối với việc tổ chức kỷ niệm thành lập ngành, ngày truyền thống: Các cơ quan, đơn vị chỉ thực hiện vào những năm chẵn (là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”, đối với trang trí khánh tiết để thực hiện đón tiếp khách chỉ sử dụng lọ hoa nhỏ... Đối với khách đến dự, không sử dụng tiền ngân sách để mua lẵng hoa tặng, chúc mừng; chỉ sử dụng các loại hoa bó để tặng. Kinh phí tổ chức kỷ niệm cũng như kinh phí chúc mừng được sử dụng từ nguồn kinh phí thực hiện theo chế độ tự chủ được giao trong dự toán; ngân sách các cấp không bổ sung để thực hiện nhiệm vụ này.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong quản lý sử dụng ngân sách. Theo đó, những người gây lãng phí tiền, tài sản của cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm bồi thường vật chất, bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo đến truy cứu trách nhiệm hình sự theo tính chất, mức độ vi phạm và tổn thất.
Ngọc Lê
Ý kiến ()