Khi tân bộ trưởng nói phải “ít đi”
Trước hết là “ít đi” những kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt cao để trở về với đúng thực chất. Trong hội nghị tổng kết năm học 2005-2006 và triển khai phương hướng năm học mới của Bộ GD-ĐT ngày 31-7, tại TP Hồ Chí Minh, tân Bộ trưởng cho rằng: Nếu thực hiện tốt cuộc vận động “Nói không với tiêu cực...” thì một hệ quả gần như tất yếu đó là điểm thi, thành tích của ngành GD-ĐT sẽ hạ, sẽ thấp. Chúng ta phải chịu đau. Nhưng đây là sự đau đớn cần thiết, để từ đó có thể bước xa hơn!
Thứ hai, ngày 11-8, tại tỉnh Tiền Giang, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói phải “ít đi” các cuộc thi không cần thiết, mang tính hình thức trong nhà trường. Tân Bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ xem xét lại các tiêu chí thi đua trong nhà trường. Chỉ nên giữ lại những tiêu chí khuyến khích lao động sáng tạo, còn cái gì hình thức thì kiên quyết bỏ. Nhất là những cuộc thi chỉ mang tính hình thức như tới ngày kỷ niệm của các ngành lại buộc học sinh phải viết bài dự thi, vừa không thực chất, vừa mất sức thầy cô và học sinh. Ngay cả thi học sinh giỏi, có thể bỏ luôn việc tổ chức bồi dưỡng, dạy thêm, học thêm để đi thi. Đặc biệt là sẽ không áp đặt chỉ tiêu phải đạt bao nhiêu phần trăm học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh khá cho các trường, bởi đầu vào giữa học sinh trường công lập, trường bán công rất khác nhau.
Thứ ba, là tỷ lệ bảo vệ luận án tiến sĩ thành công sẽ “ít đi”. Sáng 14-8, trong buổi làm việc tại Trường ĐH Vinh (Nghệ An), tân Bộ trưởngđã nhấn mạnh: Sắp tới, khi làm luận án không có nội dung khoa học nào mới, hoặc một luận văn chỉ tổng hợp điều người ta đã làm rồi nhận xét thì sẽ không được công nhận tiến sĩ. Bộ sẽ bàn phương hướng và làm chặt cái này, bởi nếu không làm thì hỏng tiếp một thế hệ nữa. Vì vậy, sắp tới có thể tỉ lệ bảo vệ luận án tiến sĩ thành công có thể đột ngột giảm đi. Đây là lúc phải chịu đau để mà giải quyết nền khoa học nước nhà.
Để có kết quả “ít đi” này, tân Bộ trưởng đã nói tới chúng ta phải “chịu đau”, nghĩa là phải giải phẫu, cắt đi ung nhọt bấy lâu nay của ngành GD-ĐT. Khi tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói phải “ít đi” là để chất lượng giáo dục được đánh giá đúng thực chất, đào tạo ra được đội ngũ cán bộ, trí thức năng động sáng tạo để xây dựng đất nước.
Thật mừng khi được nghe tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói phải “ít đi”!
Ý kiến ()