Khi hiệu quả kinh tế- xã hội là mục đích
Khi hiệu quả kinh tế-xã hội là mục đích thì chúng ta dễ dàng hơn gạt bỏ những lấn cấn về chủ sở hữu, về phương thức quản lý, kinh doanh.
Đại hội X của Đảngđã xác định: “Nước ta có các thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”. Đảng, Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng phát triển, không phân biệt đối xử, kỳ thị, định kiến đối với bất cứ thành phần kinh tế nào.
Trong khi chúng ta đang lo lắng về thiếu điện năng cho sinh hoạt mùa hè thì có tin một cá nhân ở tỉnh Đắc Lắc bán điện cho nhà nước. Đó là ông Nguyễn Quyền, hiện trú tại 151 Lý Thường Kiệt, TP Buôn Ma Thuột xây dựng Nhà máy thuỷ điện Krông Hin tại huyện M’Đắc, có 2 tổ máy, công suất 5.000 KW, sản lượng hiện hằng năm khoảng 30 triệu KWh. Trong công tác xã hội hoá các hoạt động kinh tế-xã hội, ở tỉnh Tuyên Quang từng cho phép cá nhân đảm nhiệm duy tu, bảo dưỡng đường giao thông. Các thành phần kinh tế được bình đẳng trong các hoạt động sản xuất, dịch vụ đã tạo ra một “cuộc đua” về hiệu quả kinh tế-xã hội trong các thành phần kinh tế. Việc giao đảm nhiệm vệ sinh môi trường tuyến đường phố chính của TP Hạ Long là Nguyễn Văn Cừ và đường Lê Thánh Tông cho một công ty tư nhân thời gian qua đã đạt được hiệu quả kinh tế- xã hội rõ rệt: đầu tư ít hơn, đường sạch hơn, nhân viên thu nhập cao hơn. Trong một lần tiếp xúc với báo chí, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ còn khuyến kích tư nhân có thể đầu tư vào các công trình để nhà nước thuê lại, kể cả trụ sở UBND.
Để thoát khỏi tình trạng trông chờ vào nhà nước, có cách làm mới để huy động nguồn lực thì cán bộ lãnh đạo phải dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân. Hiệu quả kinh tế-xã hội hơn hẳn là thước đo, là tiêu chuẩn đánh giá của mọi công việc hôm nay. Đó cũng là “tín chấp” để các thành phần kinh tế cùng phát triển.
Ý kiến ()