Khi dân miền Trung nghỉ ăn thịt heo...
Do nghe tin (đã được kiểm chứng) là bệnh heo tai xanh này truyền trực tiếp sang người qua đường ăn uống, nên từ nửa tháng nay, lần lượt các quán bún giò heo, rồi tới các điểm bán thịt heo ngoài chợ ở các tỉnh miền Trung (bây giờ đã "lan" ra tới Hà Nội và vào Sài Gòn) phải "tự nguyện" đóng cửa do không có người ăn hay người mua. Rất nhiều bà nội trợ đã méo mặt mỗi khi ra chợ, vì thịt heo luôn là "đầu vị" trong thực đơn mỗi gia đình ở thành thị. Người ở phố không dám ăn thịt heo cũng là chuyện không bình thường, nhưng không ăn thịt heo họ còn những lựa chọn khác. Chỉ có những người nuôi heo ở miền Trung, giờ đang lan ra Bắc và vào Nam, là phải chịu tai họa trực tiếp từ bệnh dịch này. Bây giờ thì những con heo tới kỳ xuất chuồng của họ, dù có nghi bị "heo tai xanh" hay không vẫn không bán được, hoặc phải bán với giá quá "bèo". Người chăn nuôi lỗ nặng. Nhà nước ở các địa phương có dịch đã hỗ trợ trên mỗi đầu heo bị dịch phải tiêu hủy là 10.000đ/kg, cũng là góp phần giúp người nuôi heo đỡ bị lỗ nặng. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Mỗi năm bây giờ, chỉ tính riêng ở các tỉnh miền Trung, và chỉ tính trên những con vật nuôi "cơ bản" như bò, heo, gà, vịt… thì dịch bệnh, mà toàn những bệnh dịch thuộc hàng "khủng", xảy ra liên tục. Dịch H5N1 trên gia cầm thủy cầm mới tạm ổn, lại tới dịch lở mồm long móng trên trâu bò. Và ngay khi cơn dịch này chưa kết thúc, dịch heo tai xanh lại xuất hiện trên diện rộng. Tôi nghĩ, đã tới lúc Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) mà trực tiếp là Cục Thú y cần có hẳn một chiến lược đồng bộ để nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng, dập dịch ngay từ lúc dịch bệnh mới xuất hiện tại bất cứ địa phương nào trong cả nước. Muốn như vậy, các chi cục thú y tại các địa phương từ tỉnh xuống huyện không thể hoạt động một cách thư lại, quan liêu và thiếu chủ động như bao lâu nay. Ngay cả khi đích thân Bộ trưởng NN-PTNT xuống tận các điểm bị dịch để triển khai phương án dập dịch, thì nếu các đơn vị chuyên ngành ở các địa phương thiếu tích cực hoặc chỉ biết bị động "chỉ đâu đánh đấy" thì không thể nào dập dịch trong thời gian ngắn, mà nguy cơ dịch lan rộng là thấy rõ. Như dịch heo tai xanh này, nếu ngay từ đầu những biện pháp quyết liệt và đồng bộ được thực thi tại Quảng Nam là địa phương đầu tiên phát hiện bệnh này, thì tới nay đâu đến nỗi dịch lan rộng cả miền Trung và có nguy cơ lan ra cả nước.
Những hậu quả các bệnh dịch trên vật nuôi ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng là không còn bàn cãi. Nhưng hậu quả những dịch bệnh ấy tác động tới những hộ chăn nuôi nghèo, những hộ đang chăn nuôi để thoát nghèo là rất nghiêm trọng. Những hộ chăn nuôi lớn, chăn nuôi công nghiệp nhiều khi phải lao đao vì những dịch bệnh này đã đành, nhưng chính những hộ nghèo ở nông thôn và thành thị phải sống nhờ vào chăn nuôi, đặt thu nhập cơ bản của mình vào chăn nuôi mới phải chịu những thiệt hại lớn, nhiều khi đến tán gia bại sản hay mắc vào những nợ nần khó trả nổi. Mấy năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tăng đột biến chính là nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp góp phần gây nên những dịch bệnh ngày càng kỳ lạ, ngày càng nguy hiểm trên các vật nuôi. Vì thế, ngẫm kỹ, không chỉ Bộ NN-PTNT trực tiếp chịu trách nhiệm về dịch bệnh gia súc, mà Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng không thể đứng ngoài cuộc để có chiến lược phòng chống tích cực các đại dịch này.
Ý kiến ()