
Khen thưởng và kỷ luật
Một cán bộ của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đầu tháng 10/2017 bị kỷ luật “cách tất cả các chức vụ trong Đảng”, nhưng cuối tháng 10/2017 thì quyết định khen thưởng và Huân chương Độc lập hạng Nhì tặng cán bộ đó vẫn được chuyển về cơ quan.
Câu chuyện trên cho thấy sự thiếu đồng bộ trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, trong công tác khen thưởng và kỷ luật.
Việc khen cứ khen, kỷ luật cứ kỷ luật từ ví dụ trên, hay tình trạng không phát hiện sớm sai phạm như những vụ án lớn vừa qua, cho thấy công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của chúng ta có khâu chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ trong tiến hành, việc tố giác tội phạm cũng còn hạn chế. Không chỉ do thiếu sự phối hợp, thống nhất, tình trạng trên còn do thiếu những quy định cụ thể, trong khi thực tế phát sinh nhiều yếu tố cần có quy định để quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã có Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017. Trong đó quy định: “Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này”.
Để thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 8/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 đã đề ra nhiệm vụ là phải đồng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát. Cụ thể: (1) Chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, thanh tra, giám sát bảo đảm rõ trách nhiệm, nội dung cụ thể, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót để phòng chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng. (2) Tăng cường kiểm tra đột xuất, thường xuyên, trực tiếp, không báo trước và các hình thức rà soát nắm tình hình, khảo sát, đôn đốc của thường trực cấp uỷ đối và người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền. (3) Công tác kiểm tra, thanh tra tập trung vào nhiệm vụ, lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực (đất đai, xây dựng, thu, chi ngân sách, tài nguyên, bảo vệ môi trường, tổ chức cán bộ, kê khai tài sản...); công tác giám sát tập trung vào việc chấp hành nghị quyết, chính sách, pháp luật, hoạt động thực thi của cơ quan hành chính và cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ, giải quyết bức xúc của nhân dân, trong đó chú trọng đánh giá, kiến nghị, điều chỉnh chính sách, cơ chế của tỉnh đối với thực tiễn triển khai thực hiện. (4) Đồng bộ sử dụng và theo dõi thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán; đảm bảo thống nhất trong xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính, công khai kết quả xử lý. (5) Thực hiện nghiêm quy định về kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Để tăng cường các hình thức rà soát nắm tình hình, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Quy định số 06-QĐ/TU ngày 4/8/2017 về việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII).
Việc đồng bộ sử dụng kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán vừa tiết kiệm, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót trong hoạt động này, vừa đảm bảo tính thống nhất trong xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính. Và như vậy, sẽ không xảy ra tình trạng khen cứ khen, kỷ luật cứ kỷ luật như ví dụ trên...
Nguyên Đan
Ý kiến ()