Khẳng định vai trò dẫn dắt của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Theo thống kê của Cục Thống kê Quảng Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Quảng Ninh tăng 6,42% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng trong phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng đạt 13,13%.
Từ sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có những thay đổi tích cực để thích ứng với “trạng thái bình thường mới” nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, góp phần lớn vào quá trình phục hồi của nền kinh tế và lấy lại đà tăng trưởng. Cụ thể, các doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất, cải tiến mô hình tăng trưởng. Đồng thời, đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thay đổi phương thức giao dịch nhằm tương tác tốt và hiệu quả hơn với nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ đó, một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022 như: Quần áo nghề nghiệp tăng 36,5%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ tăng 50,4%; thân mũ tăng 13,6%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 31,5%; thuốc nổ đã điều chế tăng 41,8%; tấm sàn Vinyl Tines tăng 181,0%; tấm Silic tăng 200,2%; nến, nến cây tăng 47,2%; vòng tay thông minh đạt 552 nghìn cái...
Sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có nguyên nhân là do ngay từ đầu năm một số công ty mới đi vào hoạt động như: Công ty TNHH Thời trang Dệt Kim Việt Nam sản xuất vải dệt kim, Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Hải Hà Việt Nam sản xuất quần áo, Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam có sản xuất sản phẩm mới là vòng tay thông minh. Cùng với Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar đi vào sản xuất từ tháng 4/2022 nên sản lượng sản xuất so cùng kỳ tăng cao.
Mới đây, Quảng Ninh lại tiếp tục đón tin vui khi Foxconn đầu tư 2 dự án thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo tại KCN Sông Khoai, thuộc KKT ven biển Quảng Yên, với tổng mức đầu tư gần 250 triệu USD. Cụ thể là dự án Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 4,1ha, tổng vốn đầu tư khoảng 46 triệu USD Mỹ. Dự án nhằm mục tiêu sản xuất, gia công linh kiện, khuôn mẫu linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin và sản phẩm truyền thông. Dự kiến, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 10/2024. Dự án nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 6,3ha, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 200,24 triệu USD. Dự án với mục tiêu hình thành một dự án sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện. Dự kiến tháng 1/2025, dự án sẽ hoàn thành, đi vào sản xuất chính thức.
Thực tế cho thấy, sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sức bật trở lại, tiếp tục khẳng định vai trò là xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU “Về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 15% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 17%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng; tạo ra ít nhất 30.000 chỗ làm việc mới. Định hướng đến năm 2030, tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 20% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 20%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 100.000 tỷ đồng; tạo ra trên 50.000 chỗ làm việc mới. |
Ý kiến ()