
Kết nối cao tốc, sân bay, cảng biển
Năm 2018 là năm ghi dấu ấn để đời trong phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Ninh khi các tuyến cao tốc, cảng biển, sân bay đồng loạt hoàn thành đưa vào sử dụng.
Theo đó, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 9 tới đây. Tuyến cao tốc đầu tiên được thực hiện theo hình thức đầu tư PPP này sẽ hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ, rút ngắn quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội từ 180km hiện nay xuống còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 tiếng xuống còn 1,5 tiếng. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm 2/3 (từ 75km còn 25km). Để liền mạch tuyến cao tốc đến Khu Kinh tế Vân Đồn, tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn cũng đang gấp rút thi công, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý III.
Điểm đột phá trên bản đồ hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Ninh cũng đã được khẳng định, đó là cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã hoàn thành việc bay hiệu chuẩn để cuối năm 2018 sẽ thực hiện đón các chuyến bay thương mại. Cảng hàng không đầu tiên được sử dụng theo hình thức đầu tư PPP đã mở hướng phát triển mới về đầu tư giao thông hàng không do tư nhân đảm nhiệm.
Song cùng với các tuyến đường cao tốc, sân bay thì ưu thế về phát triển cảng biển, khu công nghiệp cũng đang được tỉnh Quảng Ninh tập trung đầu tư, khai thác. Và cũng bằng hình thức đầu tư PPP, các công trình như Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, hạ tầng KCN Cảng Nam Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc (Quảng Yên), Texhong (Hải Hà) đang khẩn trương được đầu tư bởi các tập đoàn có tiềm lực.
Hạ tầng giao thông, dịch vụ Quảng Ninh tới đây tiếp tục có gì đáng chú ý? Câu trả lời tiếp theo cho giai đoạn 2019 - 2020 đó là khởi động cho các dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sông Khoai, dự án Furama Hạ Long Resort & Villas tại xã Quan Lạn, dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Dragon Bay tại xã Hạ Long, Con đường di sản Vân Đồn, xây dựng nhà máy sản xuất xe ô tô thân thiện môi trường với công suất khoảng 300.000 xe/năm tại Khu công nghiệp Việt Hưng giai đoạn 2, hầm đường bộ Cửa Lục….
Trên bức tranh về hạ tầng giao thông, dịch vụ vô cùng đặc biệt, những công trình, dự án mang tính để đời như vậy, làm thế nào để kết nối hiệu quả các dự án, công trình đó là bài toán đặt ra. Tỉnh Quảng Ninh đã, đang và sẽ tìm lời giải thỏa đáng nhất, hiệu quả nhất.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có chỉ đạo về đẩy mạnh các giải pháp giảm chi phí logistics (Chỉ thị số 21- CT/TTg), trong đó nhấn mạnh, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, từng bước xã hội hóa để đầu tư hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, đường chuyên dùng bảo đảm kết nối hiệu quả các khu công nghệ, trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa khẩu chính, đầu mối giao thông quan trọng với các cảng biển, cảng thủy nội địa, ga đường sắt. Từng bước đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tiến tới giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn trên các hành lang vận tải thủy chính (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội; Hải Phòng - Ninh Bình…).
Quảng Ninh không chỉ để đời bằng các dự án, công trình hạ tầng giao thông động lực, đột phá mà chắc chắn sẽ khai thác hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội.
Ngọc Lan
Ý kiến ()