Huyện Bình Liêu đón nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới
Tối 15/3, tại thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu long trọng tổ chức Lễ đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian hát Sóong Cọ của người Sán Chỉ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu năm 2024. Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đại biểu của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; Văn phòng điều phối chương trình MTTQ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cùng đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 96%, xuất phát điểm thực hiện chương trình xây dựng NTM rất thấp. Tất cả các xã, thôn, bản trên địa bàn huyện đều thuộc diện có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 60%.
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình NTM, đến nay, Bình Liêu đã mang một diện mạo mới. Hết năm 2023, huyện có 6/6 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Bình Liêu đạt đô thị văn minh. Huyện đạt chuẩn 9/9 tiêu chí, 36/36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Diện mạo nông thôn vùng DTTS có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 65 triệu đồng/năm, tăng 22,9 triệu đồng so với năm 2020. Toàn huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Trung ương. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Hình thành và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể kết nối các vùng, địa phương. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy nội lực, “đánh thức” tiềm năng vùng DTTS và miền núi, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi cung ứng có hiệu quả, gắn với nhiều mô hình kinh tế lâm nghiệp, phát triển du lịch cộng đồng.
Với những kết quả đạt được trong 13 năm qua, huyện Bình Liêu vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trong toàn quốc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Lễ công bố và đón nhận Quyết định công nhận huyện Bình Liêu đạt chuẩn nông thôn mới là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là niềm tự hào, niềm vinh dự lớn lao và là kết quả của sự đoàn kết, xây dựng và phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Liêu đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong thời gian qua. Đồng chí khẳng định: Những kết quả đó là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, song trên hết, trước hết là sự quyết tâm, quyết liệt trong khâu tổ chức thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh và vai trò làm chủ của nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu ngày càng được nâng lên, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Thành quả và kết quả đó càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, chế độ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng gắn với thế trận lòng dân vững chắc được tăng cường, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững.
“Xây dựng nông thôn mới là một hành trình chỉ có điểm xuất phát, không có điểm kết thúc”, phía trước cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, để thực hiện thành công những chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh vùng dân tộc thiểu số; phấn đấu đến năm 2025 thu nhập của người dân trên địa bàn huyện bình quân đạt 100 triệu đồng/người/năm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu huyện Bình Liêu tập trung đổi mới căn bản công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương cùng với nông dân và doanh nghiệp về ý nghĩa, vai trò của phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh vùng dân tộc thiểu số; giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được các giá trị tri thức hiện đại, tự ý thức học hỏi làm kinh tế, làm giàu, vươn lên trong cuộc sống; đặt người dân vào vị trí trung tâm, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự ti, mặc cảm.
Huyện phải đẩy mạnh thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; nâng cao chất lượng đời sống và hạnh phúc của nhân dân. Trong đó, thực hiện tổ chức sản xuất hiện đại, ứng dụng rộng rãi, hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, quản trị xã hội. Phát triển nông nghiệp sinh thái đa giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường..., phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh tranh của nông sản, nhất là các sản phẩm OCOP. Bình Liêu cần giữ gìn văn hóa truyền thống; duy trì và phát huy các di sản văn hóa, phát triển các mô hình du lịch sinh thái - du lịch nông nghiệp - du lịch nông thôn để đưa huyện trở thành trọng điểm du lịch sinh thái, du lịch miền núi, biên giới với các sản phẩm trải nghiệm đa dạng, phong phú, khác biệt, giàu bản sắc... Phát triển dịch vụ, thương mại biên giới; thu hút, huy động mọi nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, ngày càng hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng.
Huyện cũng cần quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho lao động; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc truyền thống, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Xây dựng huyện Bình Liêu trở thành điển hình trong việc thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy. Đồng thời, đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn, khu vực vùng biên giới, giữ vững địa bàn không có ma túy, không tệ nạn xã hội. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển; xây dựng xã hội nông thôn đoàn kết, đồng thuận, hài hòa, trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; người dân được hưởng cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.
Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhất là ở cơ sở; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở; nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Nhân dịp này, các huyện: Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ, Tiên Yên và TP Móng Cái – nơi có Hội hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ đã đón nhận Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Làn điệu Soóng Cọ là một loại hình dân ca đã được thực hành và gìn giữ suốt nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Sán Chỉ. Thời gian gần đây, làn điệu Soóng Cọ của người Sán Chỉ đã được các địa phương phục dựng và duy trì tổ chức thường niên, bài bản, quy mô. Qua đó, góp phần gìn giữ một di sản văn hóa tinh thần quý báu, thể hiện truyền thống tốt đẹp và bản sắc riêng của tộc người Sán Chỉ ở Quảng Ninh; đồng thời tạo nên sản phẩm văn hóa độc đáo, phục vụ khách đến tham quan, du lịch.
Cũng tại buổi lễ, huyện Bình Liêu tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu năm 2024.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 15/3 đến ngày 12/5/2024 với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện Bình Liêu. Trong đó, có các hoạt động chính gồm: Ngày hội di sản Then, diễn ra ngày 14/4 tại thị trấn Bình Liêu; Hội Soóng Cọ giao duyên của người Sán Chỉ huyện Bình Liêu diễn ra từ ngày 20-30/4 tại xã Húc Động; Hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán huyện Bình Liêu diễn ra từ ngày 11-12/5 tại xã Đồng Văn.
Ý kiến ()