20
18
/
1100530
Hồi sinh những "lá phổi xanh" - Bài 1: Nguy cơ mất rừng gỗ quý
longform
Hồi sinh những "lá phổi xanh" - Bài 1: Nguy cơ mất rừng gỗ quý

Cover

Ảnh trong văn bản

Quảng Ninh vốn có địa hình trải dài mang nét điển hình của khu vực miền núi, đồng bằng và ven biển, nơi được tạo hóa ưu đãi nhiều tiềm năng về thiên nhiên. Nhiều năm trở về trước, ở khắp các rẻo cao, vùng sâu, núi cao của Quảng Ninh, đâu đâu cũng dễ dàng thấy màu xanh của rừng với nhiều loài gỗ quý: Lim, giổi, sến, táu... Những cánh rừng gỗ lớn đó đã tự vươn mình sinh sôi, nảy nở, lớn lên thành rừng đại ngàn. Thế rồi, dưới tác động của kinh tế, xã hội và cuộc sống…, những cánh rừng nguyên sinh giờ chỉ còn trong ký ức của nhiều người, bởi nó đã bị thay thế bởi rừng keo, bạch đàn - những loài cây ngắn năm, cho thu nhập ngay nhưng làm cho đất rừng nghèo kiệt.

Ảnh trong văn bản

Sinh ra và lớn lên ở thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, bà Triệu Thị Hương vốn rất quen thuộc với những tán rừng quanh năm xanh mướt. Bà Hương chia sẻ: "Với những người con của núi rừng, lớn lên nhờ những cây măng, con cá, uống dòng nước tinh khiết chảy từ đầu nguồn trên núi cao xuống... nên rừng không chỉ là mái nhà chở che, mà còn là nguồn sống, là kế sinh nhai từ đời cha ông đến đời tôi và các con, cháu. Rừng Ba Chẽ ngày xưa nhiều lim, sến, quế…; dưới tán những cây cổ thụ là tre, nứa ken kín và bạt ngàn ba kích, dây leo, trà hoa vàng… Trong diện tích đất rừng được giao, hiện gia đình tôi vẫn còn 1ha quế ở đầu nguồn từ thời cha ông để lại".

Ảnh với chú thích
Những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP Hạ Long.

Những cánh rừng gỗ lớn với đủ loại cây: Lim, lát, giổi, sến, táu…, rừng không chỉ là ký ức của tuổi thơ, mà còn trở thành đứa con tinh thần, máu thịt và nguồn sống của những con người sinh ra và lớn lên ở núi rừng.

Ở khắp những vùng rẻo cao của tỉnh Quảng Ninh, đâu đâu người ta đã từng dễ dàng bắt gặp những cánh rừng đại ngàn với nhiều loài cây quý: Đinh, lim, sến, táu, giổi, lát… Giổi, lim, lát, mỡ hay quế, hồi đều là những loại cây quen thuộc với người dân. Khi ấy, người dân sống ở rẻo cao thường xuyên vào rừng, được đi dưới những cánh rừng thâm u, bạt ngàn gỗ quý, có cây lớn vài người ôm. Dưới những cánh rừng đại ngàn đó, hàng trăm loài cây dược liệu, như: Ba kích tím, trà hoa vàng, nấm lim xanh, sâm cau đỏ, cát sâm, lan kim tuyến… đâm chồi, sinh sôi, nảy nở từng ngày, trở thành nguồn sống của hàng nghìn hộ dân vùng núi.

Ảnh với chú thích
Bà Triệu Thị Hương, thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, chăm sóc rừng cây sa mộc.

Ảnh căn trái

Mới đây, chúng tôi theo chân anh Lỷ A Tài, Giám đốc Công ty CP Quế Hồi Quảng Ninh, đi qua rất nhiều quả đồi xanh ngút ngàn từ Tiên Yên sang Đầm Hà. Ở đây, dân cư sống thưa thớt, không khí thoáng đãng, gần như không có tiếng ồn ào của xe cộ. Một cuộc sống hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài: Không ti-vi, không sóng điện thoại, mọi phương tiện thời hiện đại khi được đưa nào đây đều trở nên thừa thãi, không còn giá trị sử dụng. Trời mưa lâm thâm, cả khu rừng tĩnh mịch, thi thoảng nghe tiếng cành gãy, tiếng lá chạm nhau và tiếng chim chóc... làm câu chuyện về những cánh rừng quế, hồi của anh Lỷ A Tài càng thêm hấp dẫn. 

"Tuổi thơ của tôi gắn liền với những cánh rừng. Ngày ấy, rừng nằm quanh nhà nhưng cũng có cánh rừng xa nhà mất đến vài giờ đi bộ. Khắp nơi đều là những cánh rừng gỗ lớn hàng chục năm tuổi, đủ loại cây gỗ quý như: Hồi, quế, lim, sến, táu, giổi... Nhiều cây có đường kính phải 2, 3 người ôm. Rừng là chốn nương náu không chỉ của con người, mà còn của muông thú. Rừng tỏa ra một mùi hương mát mẻ, dễ chịu, trong lành níu chân mỗi người. Thú vui duy nhất của mấy anh em trong nhà chỉ xoay quanh những cánh rừng. Được tận tay sờ vào từng cây gỗ lớn xù xì, to lớn, vững chãi, đứa trẻ như tôi rất vui mừng. Tiền nhiều mấy tiêu cũng hết, nhưng rừng không còn thì cuộc sống của bà con nơi đây cũng không còn" - anh Tài bồi hồi chia sẻ.

Ảnh trong văn bản

Thời gian trôi qua, những cánh rừng nguyên sinh giờ đây chỉ còn lại trong ký ức của người lớn tuổi. Ở nhiều nơi, bà con đa phần sử dụng diện tích rừng làm nương rẫy, chỗ nào đất cằn, trống coi như bỏ hoang, cứ thế rừng ngày càng thưa thớt. Có nơi không còn rừng, mà chỉ có đất trống, đồi núi trọc.

Còn riêng Ba Chẽ, chỉ cách đây hơn 10 năm là "điểm nóng" về tình trạng chặt phá rừng. Rừng Khe Giang, Khe Vang, Khe Chức, Khe Tráng... thuộc xã Lương Mông bạt ngàn lim, sến, táu..., những cây gỗ bị chặt hạ cùng với khung cảnh hoang tàn, thân cây lớn nằm ngổn ngang, đường kính mỗi cây lớn từ 50-70cm. Bên cạnh những gốc cây đã bị đốn hạ, ván bìa cây dày đến 5cm bị lâm tặc bỏ lại nằm la liệt. Có gốc mới bị cưa, nhựa thân ứa chảy. Lâm tặc để lại những hộp gỗ đã được cưa gọn gàng, xếp chồng chất. Gỗ được vận chuyển khỏi nơi này vào lúc trời tối. Nhiều người ở các xã chuyên sống bằng nghề chặt gỗ, trộm gỗ. Các lực lượng chức năng của tỉnh và địa phương khi đó đã tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền, truy quét, xử lý các đối tượng khai thác trái phép ra khỏi các cánh rừng, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Ảnh với chú thích
Người dân xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, thu hoạch keo.

Ông Vi Văn Quốc (thôn Xóm Mới, xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ) nuối tiếc: "Là người gắn bó với rừng, thế hệ chúng tôi chắc chắn ai cũng đã từng chứng kiến cái cảnh những rừng bị chặt phá, hoang tàn, ngổn ngang. Muốn giữ rừng mà lực bất tòng tâm".

Còn ông Lương Thế Xuyên (thôn Thủy Cơ, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên) cho hay: "Thời điểm trước năm 1992, khi chưa khoanh vùng bàn giao đất rừng, việc trông giữ cây rất khó, người ta cứ vô tư vào rừng chặt những cây to, cao, có giá trị về làm nhà hoặc bán. Cây gỗ lớn vì thế mà dần dần mất đi. Sau năm 1992, khi có sổ giao đất rừng cho các hộ dân, họ vẫn thi nhau chặt hạ cây tự nhiên để chuyển đổi trồng cây ngắn ngày như keo để mau chóng thu tiền".

Ảnh với chú thích
Một thời gian dài, cây keo dần thay thế những cánh rừng cây gỗ lớn.

Quả thật, từ khi giao đất giao rừng, rừng cây gỗ lớn bị người dân đốn hạ để thay thế bằng các loại cây ngắn ngày như: Keo, bạch đàn…, bởi đây là những cây nhanh được khai thác, vốn đầu tư thấp, ít phải chăm sóc. Chúng cũng có giá trị nhất định mà người dân gọi là "cây xóa đói giảm nghèo", nhưng cũng không thể làm giàu.

Là người trồng keo đã ngót chục năm, bà Triệu Thị Toan (thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm, TP Hạ Long) chia sẻ: "Keo là loài dễ trồng, sinh trưởng nhanh, thích ứng với nhiều dạng điều kiện lập địa, sản phẩm dăm gỗ dễ tiêu thụ. Thêm vào đó, chúng tôi không có kinh nghiệm trồng cây gỗ lớn, thiếu vốn đầu tư, thiếu kỹ thuật nên trong 10ha rừng trồng của gia đình thì có 9ha keo. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của cây keo không cao".

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản
Ảnh trong văn bản

Người dân huyện Ba Chẽ trồng cây quế ở diện tích rừng cộng đồng.

"Tuổi khai thác rừng keo chủ yếu từ 5-7 năm nên sản lượng khai thác bình quân chỉ từ 50-70m3/ha, năng suất bình quân ở cây này khoảng 10m3/ha/năm. Rừng trồng khai thác ở tuổi 5, bán gỗ cây đứng được khoảng 32 triệu đồng/ha, trong khi chi phí đầu tư trồng rừng những năm qua khoảng 20 triệu đồng/ha/5 năm, bình quân chỉ thu gần 2,4 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, khai thác rừng trồng ở tuổi 8 thì bình quân thu khoảng 6,3 triệu đồng/ha/năm. Gần đây, gia đình chuyển sang trồng thêm 2ha quế rồi. 2ha quế cho thu hoạch lá, cành, vỏ quế khoảng 2 - 3 tấn, thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Trồng quế đúng là hơn hẳn trồng keo" - bà Tằng Chíu Múi (thôn Nà Cam, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) cho biết.

Theo thống kê, diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2018 là 247.615ha. Trong đó, diện tích rừng trồng keo chiếm phần lớn với 170.271ha, chiếm 68,7%; thông 36.689ha, chiếm 14,8%; bạch đàn (trồng thuần loài và hỗn loài với keo và thông) 16.568 ha, chiếm 6,69%. Rừng trồng các loài cây khác như quế, giổi, lát… chỉ chiếm một phần rất nhỏ: 6,13% với diện tích 15.179ha.

Ảnh với chú thích

Diện tích trồng keo của bà Triệu Thị Toan (thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm, TP Hạ Long).

Điều này cho thấy thành phần loài cây cho việc phát triển rừng trồng còn nghèo nàn, chủ yếu là các loài keo, thông, bạch đàn. Không chỉ hệ sinh thái, rừng trồng chủ yếu thuần loài nên tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng sinh thái, năng suất thấp chỉ đạt khoảng 10m3/ha/năm, chưa đủ cung ứng cho việc chế biến và nhiều hệ lụy khác. Những cánh rừng gỗ lớn giảm dần, diện tích trồng keo, trồng bạch đàn tăng lên; tuy nhiên, đời sống người dân dựa vào rừng vẫn chưa thực sự khấm khá, bền vững; thêm vào đó còn mang nguy cơ cạn kiệt tài nguyên đất, nước...

Thu Chung - Cao Quỳnh
Đồ hoạ: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu