Hội nghị học tập, quán triệt thực hiện Kết luận số 20 của BCH Trung ương Đảng và Chỉ thị số 18 của BTV Tỉnh ủy
Ngày 22/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 tại Hội nghị lần thứ tư, BCH Trung ương Đảng (Khóa XIII) và Chỉ thị số 18-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Dự hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh. Hội nghị truyền trực tuyến đến các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã quán triệt một số vấn đề mới, cốt lõi, quan trọng trong chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và thực hiện mục tiêu kép" theo tinh thần Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII).
Nhấn mạnh về những vấn đề đáng quan tâm xung quanh đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta và nhận diện các nguồn lây vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã làm rõ những điểm cốt lõi trong chuyển từ chiến lược “Zero Covid-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Nếu như với chiến lược “Zero Covid-19” tập trung vào khâu “tiền kiểm”, khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng, dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả, thì đối với chiến lược "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" sẽ tập trung nhiều hơn vào “hậu kiểm” mà trong đó, cấp cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng.
Cụ thể, người dân là trung tâm, là chủ thể, là “chiến sĩ”, cộng đồng dân cư, xã, phường, thị trấn là “pháo đài” thích ứng an toàn, sinh hoạt an toàn; cơ sở sản xuất kinh doanh là trung tâm, là chủ thể thích ứng an toàn, sản xuất an toàn. Đây là những chủ thể, là trung tâm của chuyển đổi trạng thái bình thường mới, vì vậy, cần luôn chủ động, tích cực, tự giác tham gia. Mỗi cá nhân, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải xây dựng quy trình quản trị rủi ro nhằm thích ứng an toàn, giảm thiểu tác hại.
Về tâm thế khi chuyển đổi trạng thái thích ứng an toàn, theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, những lúc, nhưng nơi đang an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh, phải tận dụng mọi cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải luôn cảnh giác cao độ, sẵn sàng chống dịch. Khi mới xuất hiện nguy cơ nhỏ nhất, phải quyết liệt, thần tốc truy vết, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị tích cực, không để ca bệnh thành ổ dịch, không để ổ dịch lây lan trong cộng đồng, trở thành đợt dịch gây quá tải đối với hệ thống y tế; khoanh vùng phạm vi nhỏ nhất, giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân và từng bước thực hiện thích ứng an toàn.
Đồng chí cũng nhấn mạnh tới các bài học kinh nghiệm quý từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện thành công trong phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện “mục tiêu kép” ở Quảng Ninh từ đầu năm 2020 đến nay. Đó là: Phòng, chống dịch bệnh phải dựa trên cách tiếp cận đa ngành, lấy tiếp cận an ninh phi truyền thống làm chủ đạo - để xác định mục tiêu, đối tượng, tổ chức lực lượng, bố trí nguồn lực, định hình phương pháp ứng phó, kiểm soát dịch phù hợp. Chủ động, lường trước, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ gốc khi dịch bệnh chưa xuất hiện tại địa phương; tích cực chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, tinh thần khẩn trương khi nguy cơ dịch mới chớm xuất hiện; phương pháp quản trị an ninh phi truyền thống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 phải bảo đảm tính đa dạng, linh hoạt, sáng tạo gắn với lựa chọn chu trình phù hợp.
Song song với đó, củng cố thế trận phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm tính thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo với phát huy tính độc lập tác chiến, xử lý hiệu quả từng nội dung, từng tình huống ở mỗi nơi, mỗi lúc, lấy cộng đồng dân cư làm “pháo đài”.
Trên cơ sở tỉnh Quảng Ninh đã thành lập hơn 1.000 tổ tự quản phòng, chống Covid-19 cộng đồng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu MTTQ tỉnh xây dựng mô hình cộng đồng thích ứng an toàn, thôn, bản, khu phố không có F0 với vai trò nòng cốt là các Tổ tự quản phòng, chống Covid-19 ở cộng đồng, lực lượng Công an cơ sở, trật tự dân phố.
Trong đó, bổ sung, phát triển những nội dung mới trong các Hương ước, Quy ước không chỉ bao gồm những vấn đề về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, gia đình văn hóa, mà ở đó, cần đề cao vai trò là trung tâm, là chủ thể, là chiến sĩ của người dân, mỗi cộng đồng là một pháo đài trong phòng, chống dịch bệnh, thích ứng an toàn.
Tại hội nghị quán triệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Thời gian còn lại của năm 2021 còn rất ít, trong khi khối lượng công việc thường xuyên rất lớn và nhiều việc trọng tâm, cấp bách phải triển khai. Do đó, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu quyết tâm, nỗ lực, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện nhiệm vụ năm, làm dứt điểm và lượng hóa được kết quả, để quyết tâm tiếp tục xây dựng Quảng Ninh là một trong những địa phương điển hình về phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện thành công “mục tiêu kép”, giữ vững đà tăng trưởng hai con số, vai trò cực tăng trưởng kinh tế toàn diện khu vực phía Bắc.
Cũng tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã quán triệt Kết luận Hội nghị lần thứ tư, BCH Trung ương Đảng (Khóa XIII) về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào 4 nội dung, gồm: Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2021; mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và phòng, chống dịch năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 và lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 và các quan điểm, chủ trương phòng, chống dịch thời gian tới.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu bật những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, gắn với trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành, địa phương trong quý IV/2021, quyết tâm phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt hai con số, thu ngân sách trên 51.000 tỷ đồng và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.
Theo đó, chỉ đạo việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 20-KL/TW tại các đảng bộ địa phương, đơn vị; xây dựng chương trình hành động thực hiện Kết luận số 20-KL/TW, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kết luận số 20-KL/TW...
Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt Chỉ thị số 18-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu đảng bộ 13 huyện, thị xã, thành phố phải nghiêm túc quán triệt Kết luận số 20, Chỉ thị số 18 xong trước ngày 30/10; các đảng ủy trực thuộc quán triệt xong trước ngày 10/11. Đối với các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở sẽ triển khai học tập nội dung này đồng thời trong dịp sinh hoạt chi bộ ngày 3/11.
Ý kiến ()