
Hình thành thói quen chăm sóc sức khỏe sinh sản
Nhờ phương pháp tuyên truyền hiệu quả, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, dân số từ tỉnh đến cơ sở ở Quảng Ninh, người dân đã hình thành thói quen chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) tại các cơ sở y tế chất lượng. Nhờ đó cải thiện tình trạng chăm sóc SKSS cho người dân.

Theo thống kê của Bộ Y tế, 90% phụ nữ Việt Nam độ tuổi sinh sản từ 15-49 mắc bệnh liên quan phụ khoa ít nhất một lần trong đời. Nhiều chị em mắc một số bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, dẫn đến bệnh chuyển biến nặng, tiềm ẩn nguy cơ ung thư cổ tử cung. Vì vậy việc thăm khám SKSS đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao sức khỏe cho phụ nữ.
Nhằm chăm sóc SKSS cho phụ nữ tại tuyến cơ sở, CDC Quảng Ninh phối hợp với các trung tâm y tế tuyến huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho cán bộ làm công tác chăm sóc SKSS ở tuyến huyện, xã. Khoa SKSS (CDC Quảng Ninh) thường xuyên phối hợp trung tâm y tế tuyến huyện triển khai các hoạt động truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ; tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS tại các cơ sở y tế toàn tỉnh, chú trọng các hoạt động như chăm sóc trước sinh, phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, dự phòng bệnh có thể mắc phải ở các thai phụ..., nhằm nâng cao kiến thức cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và giám sát hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật trong thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật, như chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh.
Các bệnh viện tuyến tỉnh đưa nhiều kỹ thuật vào phục vụ SKSS cho phụ nữ, như: Phẫu thuật nội soi buồng trứng, tử cung, điều trị u tử cung, chữa vô sinh, điều trị bệnh lây truyền qua đường sinh sản, dịch vụ chăm sóc thai sản, cận lâm sàng, sàng lọc ung thư cổ tử cung, SKSS vị thành niên, sàng lọc trước sinh…

Chị Chìu Thị Lan (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) chia sẻ: “Được các bác sĩ tư vấn, thăm khám, tôi thấy các bệnh về đường sinh sản của phụ nữ rất nguy hiểm. Tôi sẽ theo chỉ dẫn của các bác sĩ để chủ động khám SKSS định kỳ, đảm bảo sức khỏe”.
Bác sĩ Phạm Ngọc Dung, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Sơn, cho biết: Xã đa số là đồng bào DTTS, nên nhận thức còn hạn chế, tâm lý e ngại về chăm sóc SKSS. Ngành Y tế tỉnh, huyện luôn tổ chức các đoàn công tác đến những xã vùng cao để thăm khám sức khỏe, nên người dân đã biết cách chăm sóc SKSS hơn; việc chăm sóc SKSS cho phụ nữ mang thai ngày một nâng cao.
Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế) duy trì hoạt động hệ thống thông tin quản lý hậu cần các phương tiện tránh thai tuyến tỉnh bằng phần mềm LMI; thực hiện bảo quản vận chuyển phương tiện tránh thai và thông tin báo cáo đảm bảo chính xác, kịp thời. Chi cục đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai miễn phí cho đối tượng theo quy định có đăng ký sử dụng. Năm 2024, tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 116.228/96.210 người, đạt 120,8% kế hoạch giao.
Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân ở các địa phương được duy trì hiệu quả với việc duy trì các CLB tiền hôn nhân ở tất cả các xã, phường trong tỉnh; đã tổ chức hơn 700 buổi sinh hoạt, thu hút trên 10.000 người tham dự. Các buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc SKSS được phối hợp hiệu quả. Từ đó nâng cao lợi ích của việc khám SKSS trước khi kết hôn, để đảm bảo mỗi cặp vợ chồng đều sinh được những em bé khỏe mạnh.
Để góp phần nâng cao các chỉ số trong công tác chăm sóc SKSS cho người dân, các đơn vị, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để người dân trong độ tuổi sinh đẻ hiểu rõ tầm quan trọng của chăm sóc SKSS; nỗ lực thực hiện các mục tiêu về nâng cao sức khỏe bà mẹ, trẻ em, cải thiện vấn đề SKSS vị thành niên, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân tại các địa phương.
Ý kiến ()