GRDP quý I/2024 tăng 8,79%, Quảng Ninh nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước
Ngày 27/3, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị lần thứ 48 để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I năm 2024 và thảo luận về một số nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Quảng Ninh bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024 trong điều kiện chịu nhiều tác động, khó khăn chung của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, ở một địa bàn có quy mô kinh tế lớn thứ 3 phía Bắc, với đà tăng trưởng hai con số trong nhiều năm liên tiếp, để giữ được đà tăng trưởng là một thách thức không nhỏ, song BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương, xác định đúng, trúng chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, chung sức, đồng lòng, kiên trì nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách; đạt được những kết quả tích cực, nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực. Qua đó, tạo đà, động lực để tiếp tục thúc đẩy các giải pháp tăng tốc, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong tháng tiếp theo và cả quý II.
Theo Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP quý I của tỉnh ước tăng 8,79%, nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước, cao hơn kịch bản đề ra nhằm giữ vững đà tăng trưởng 2 con số bước sang năm thứ 10. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 13.160 tỷ đồng, bằng 24% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 9.160 tỷ đồng, bằng 22% dự toán.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 25,95%, tăng 16,16 điểm % so với cùng kỳ năm 2023, là động lực tăng trưởng chính; có 9 sản phẩm đạt và vượt kịch bản như: Sợi bông cotton, tấm silic, tấm sàn Vinil tines, tấm quang năng, dầu thực vật... Đến ngày 15/3, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt gần 600 triệu USD. Số dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 549 triệu USD. Ngành du lịch tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội đầu năm và tiếp tục phục hồi tích cực, tăng trưởng đạt 12,98%, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 5,37 triệu lượt, tăng 11% cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế đạt 1,2 triệu lượt.
Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao về chất lượng, tạo bước chuyển trong phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo. Tỉnh cũng chăm lo tổ chức tốt Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho trên 7.000 lượt lao động. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn bộ Y tế đạt 85,31%. Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021 - 2025. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo có nhiều thành tích cao. Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2023 - 2024, Quảng Ninh đoạt 85 giải, tăng 26 giải so với Kỳ thi năm trước, chiếm 78,70% số thí sinh dự thi, cao nhất trong 6 năm gần đây, xếp thứ 8/70 đơn vị dự thi, tăng 5 bậc so với năm trước.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; được đẩy mạnh toàn diện, liên tục trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ nhân dân, vì sự phát triển của địa phương. Đội ngũ cán bộ có bước trưởng thành vững vàng, vượt qua khó khăn, thử thách.
Quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, tuyệt đối không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; duy trì khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Tỉnh đã tổ chức thành công Đoàn công tác của tỉnh thăm chính thức Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây và tham dự Chương trình Gặp gỡ đầu xuân năm 2024.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của hệ thống chính trị toàn tỉnh; sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, công nhân, lao động và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã làm nên những kết quả hết sức toàn diện trong quý I. Tỉnh tiếp tục giữ vững sự ổn định, đổi mới, phát triển bền vững, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số bước sang năm thứ 10.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế liên quan tới có một số khoản thu dự kiến không đạt tốc độ bình quân. Tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ nhưng nhìn chung vẫn thấp… Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu vẫn ở khâu tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số sở, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị và trong một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu. Công tác phối hợp trong giải quyết công việc giữa một số cơ quan, đơn vị, địa phương có thời điểm, có việc chưa chặt chẽ, kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm.
Để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu quý II và cả năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng, thu ngân sách và nhóm chỉ tiêu bảo vệ môi trường, tỉnh xác định 3 trụ cột bảo đảm giữ vững tăng trưởng kinh tế 2 con số là: Công nghiệp chế biến, chế tạo, tập trung ở Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; đầu tư công, xây dựng cơ bản vốn ngoài ngân sách; du lịch, dịch vụ và kinh tế biển.
Chỉ đạo nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm, tập trung phát triển dịch vụ tổng hợp, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường, phát triển mô hình xanh. Tập trung thu hút FDI thế hệ mới, trọng điểm tại Quảng Yên và tập trung các dự án có lợi thế, sức cạnh tranh cao cả giá trị gia tăng, quy mô vốn, suất đầu tư cao và đặc biệt không thâm dụng lao động, không thâm dụng nước, tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với xu thế chuyển đổi. Tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, các dự án có đủ điều kiện về thủ tục pháp lý để tập trung thi công các dự án công nghiệp và dân dụng ngoài ngân sách sử dụng nguồn vật liệu tại chỗ để đóng góp vào tăng trưởng, tập trung tháo gỡ nguồn vật liệu san lấp. Phát triển kinh tế biển gắn với phát triển du lịch. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, đặc biệt nâng cao các tiêu chí, chỉ tiêu của các xã, huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Nâng cao hiệu quả quản lý điều hành thu chi ngân sách, siết chặt kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, khối lượng thực hiện, chất lượng công trình gắn với tiến độ hoàn thành và phát huy hiệu quả sau đầu tư. Phấn đấu đến 30/6, tỷ lệ giải ngân ít nhất 50% vốn đầu tư giao đầu năm; đến ngày 30/9 là 80% và đến ngày 31/12 là 100%. Đẩy mạnh tốc độ phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm; sớm hoàn thành dứt điểm các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng. Trong đó, phải đẩy nhanh tốc độ thi công, tiến độ hoàn thành đường kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đường tỉnh 342, cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân. Quan tâm tạo điều kiện để nhà đầu tư, nhất là ngành than triển khai các dự án đầu tư phát triển sản xuất, nhà ở lưu trú công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các khu công nghiệp, các dự án thuộc lĩnh vực y tế giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phát triển doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định phát triển sản xuất kinh doanh và giữ chân doanh nghiệp.
Lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; coi trọng ứng dụng thành tựu KHCN vào sản xuất, đời sống, quản lý nhà nước, quản trị phát triển xã hội; phát triển một số ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào một số lĩnh vực; đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành y tế, giáo dục.
Cùng với tập trung cho lĩnh vực kinh tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tập trung cho phát triển văn hóa con người giàu bản sắc Quảng Ninh, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; trọng tâm là triển khai thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ở cấp huyện, sở, ngành, cấp xã, cấp thôn. Trong năm 2024, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện việc bổ sung, điều chỉnh, ban hành mới các quy chế, quy định, hương ước, quy ước, nội quy, quy tắc ứng xử để cụ thể hóa 6 giá trị cốt lõi của hệ giá trị địa phương, 8 đặc trưng cốt lõi của con người Quảng Ninh nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, văn hóa ở nơi công cộng. Tiếp tục chăm lo tăng cường năng lực hệ thống y tế; chủ động kiểm soát phòng chống các loại dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm, không truyền nhiễm, quản lý sức khỏe toàn dân.
Cùng với đó, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quy hoạch, đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư công, xây dựng đô thị, tài nguyên thiên nhiên, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước. Tăng cường trách nhiệm của cấp huyện, sở, ngành gắn với người đứng đầu trong việc kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, kiên quyết thu hồi các dự án có sử dụng đất, sử dụng mặt nước chậm tiến độ, có vi phạm, sai phạm, gây lãng phí về đất đai theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo tổng rà soát công tác quy hoạch, kế hoạch, công tác quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, trong đó có nguồn vật liệu san lấp, san nền theo nguyên tắc từ xa, từ sớm, đáp ứng đủ nhu cầu cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kiên quyết khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập trong quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng, đất đai đối với các dự án đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách.
Đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra bị động, đột xuất bất ngờ, xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh. Hết năm 2024 có ít nhất 3 huyện và 50% số xã, phường, thị trấn không có ma túy.
Chăm lo tốt hơn nữa tới nhiệm vụ xây dựng xây dựng chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng chỉnh đốn Đảng ở cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức cơ sở Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong đó, phải tạo bước chuyển công tác cán bộ ở tất cả các cấp, ngành, địa phương. Quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Tiếp tục củng cố niềm tin trong nhân dân, cán bộ, đảng viên; củng cố sự đồng thuận xã hội, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội.
Ý kiến ()