Góc nhìn nhỏ vào một chuyến đi lớn
Nhưng tôi lại đặc biệt chú ý tới một kết quả có thể là khá khiêm tốn giữa những kết quả lớn khác: việc ký thỏa thuận hợp tác trong ngành dệt may giữa Công ty May Việt Tiến và Tập đoàn thương mại Marubeni, giữa Công ty cổ phần may Phương Đông và Tập đoàn Thương mại Mitsu Bussan.
Hợp đồng sản xuất và cung cấp hàng dệt may này giữa hai công ty Việt Nam và hai tập đoàn Nhật Bản chỉ có trị giá 75 triệu USD trong 5 năm (Việt Tiến) và 26,5 triệu USD (Phương Đông). Nhưng ý nghĩa của nó, theo tôi, là lớn, là rất quan trọng đối với ngành dệt may Việt Nam. Còn chưa đầy 1 tháng nữa, chúng ta sẽ chính thức gia nhập WTO. Một trong những ngành công nghiệp Việt Nam đạt doanh số xuất khẩu cao và thu hút nhiều lao động phổ thông nhất chính là ngành dệt may.
Nhưng từ nhiều năm nay, những mặt hàng dệt may của chúng ta đã phải cạnh tranh rất khó nhọc với cùng những mặt hàng này của Trung Quốc. Về dệt may thì Trung Quốc vẫn là cường quốc số 1. Có vài dịp đi châu Âu, tôi nhận thấy trong các siêu thị, các cửa hàng bán quần áo may sẵn, gần như hàng Trung Quốc chiếm vị thế áp đảo. Có người bạn tôi ở Mỹ, khi muốn mua một chiếc áo sơ-mi làm quà cho tôi, anh đã không thể mua thứ hàng nào khác hơn là hàng Trung Quốc. Bởi nó rẻ, và nó cũng đẹp. Tôi nói đùa với anh là nếu với số tiền anh mua chiếc áo "Tàu" từ Mỹ tặng tôi, ngay tại Việt Nam tôi có thể mua được ít nhất là… 5 chiếc áo cùng loại. Nhưng bạn tôi nói, áo "Tàu" ở VN có khác với áo "Tàu" mua ở Mỹ đấy, vì nó "theo tiêu chuẩn Mỹ". Đúng là thế! Nhưng bây giờ, theo tôi biết, áo sơ-mi Việt Tiến khi xuất sang châu Âu hay Mỹ cũng đẹp chẳng kém áo Trung Quốc. Chỉ có điều, về số lượng thì hàng dệt may xuất khẩu của chúng ta "chưa là gì" so với hàng Trung Quốc. Nay, với chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai hợp đồng về sản xuất và cung cấp hàng dệt may đã được ký giữa hai công ty may Việt Nam và hai tập đoàn lớn của Nhật. Ngay tức thời, thì giá trị hai hợp đồng này chưa lớn, nhưng nó chính là một mũi đột phá để ngành dệt may Việt Nam mở thêm một "kênh" quan trọng đưa hàng dệt may Việt Nam ra thế giới.
Ai cũng biết người Nhật rất cẩn trọng và khó tính khi chọn đối tác làm ăn, nhất là với mặt hàng dệt may là mặt hàng Nhật rất có ưu thế về kỹ nghệ. Chọn sự liên kết này, người Nhật đã đặt tin tưởng vào hàng dệt may Việt Nam. Và có lẽ họ cũng muốn chọn đối tác còn đang "nhỏ" là Việt Nam, hơn là chọn đối tác khổng lồ là Trung Quốc để liên kết làm ăn trong lĩnh vực này. Đó là một thuận lợi rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam trong khát khao tìm cho mình những thương hiệu Việt cho hàng dệt may khi ra thế giới. Đối tác Nhật sẽ tạo "đường băng" cho thương hiệu dệt may Việt Nam cất cánh nếu chúng ta tự chứng minh được năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam.
Với kỹ thuật, khả năng mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và những khách hàng lớn truyền thống, cuộc "chơi chung" giữa ngành dệt may Việt Nam với những tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản sẽ hứa hẹn những thành công lớn. Nó cũng góp phần quan trọng đưa ngành dệt may xuất khẩu Việt Nam khẳng định được vị thế của mình trên thương trường thế giới. Ai cũng biết, khi rào cản hạn ngạch dệt may được dỡ bỏ, thì không phải ngành dệt may Việt Nam đã lập tức có thuận lợi, lập tức lớn mạnh. Sự liên kết lần này với Nhật có thể là một cửa đột phá quan trọng để khẳng định: một khi vào WTO, bên cạnh những thách thức cũng sẽ mở ra rất nhiều cơ hội, nhiều đối tác, nhiều bạn hàng mới, không chỉ riêng cho ngành dệt may Việt Nam.
Ý kiến ()