Giúp dân định hướng làm ăn
Ở tỉnh ta cũng từng có chuyện bà con ở vùng chè đã chặt bỏ chè để trồng cây keo tai tượng vì đầu tư ít, chóng thu hoạch, hiệu quả hơn. Nay ở một số địa phương trong tỉnh như Đông Triều, Ba Chẽ, Bình Liêu..., bà con lại rộ lên chuyện trồng cây sưa. Lý do của “cơn sốt” trồng sưa là vô số những chuyện đồn thổi về giá trị vàng của cây sưa mà một số tờ báo, đài phát thanh truyền hình đã góp phần thổi lên. Nào là gỗ sưa có giá trị đến 5-6 trăm nghìn một ký lô, nào là tất tần tật từ rễ đến cành cây sưa đều ra tiền.
Với bà con nông dân, nhất là các hộ nghèo, khó khăn, nguyện vọng chuyển đổi làm ăn nhằm thoát nghèo, vươn lên khá giả là hoàn toàn chính đáng. Vậy nên việc bà con sốt sắng nắm bắt, làm theo những cái mới - kể cả những cái mới chưa được kiểm chứng - là điều dễ hiểu. Song vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm của địa phương và ngành, cơ quan chức năng đến đâu. ở những nơi bà con đang sốt sắng trồng sưa, chính quyền, HTX, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan khuyến nông, khuyến lâm có biết không?
Nếu biết thì đã có cách gì giúp bà con? Chẳng hạn thông qua việc kiểm chứng và các tài liệu khoa học, giúp bà con có hiểu biết đúng về cây sưa, từ đặc điểm sinh học đến giá trị sử dụng, giá trị hàng hoá trên thị trường. Và nếu đúng cây sưa có giá trị lớn thì giúp bà con về giống, về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Còn không, phải khuyến cáo bà con dừng lại trước khi thiệt hại lớn.
Giúp người dân có định hướng làm ăn đúng, hiệu quả là trách nhiệm công tác và trách nhiệm tình cảm.
Ý kiến ()