Giỗ Tổ
Đó là thời kỳ hình thành một lãnh thổ chung, một nền văn hóa chung, một quốc gia và nhà nước Văn Lang - Âu Lạc.
“Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cố giữ lấy nước”, với câu nói ấy, Bác Hồ đã gợi lên điểm nhạy cảm nhất trong trái tim Việt Nam. Sẽ đánh mất một động lực cực lớn nếu không thấy hết đặc trưng làm nên điểm nhạy cảm ấy trong tâm thức người Việt. Chẳng hạn như, nếu Tôn Trung Sơn, nhà tư tưởng lớn của lịch sử Trung Quốc hiện đại, từng nghiêm khắc đưa ra nhận định có tính phê phán nhằm chấn hưng dân khí Trung Hoa: “Ở nước ta gia tộc và tông tộc được đồng bào sùng bái nhất, cho nên có thể nói nước ta chỉ có chủ nghĩa gia tộc, chủ nghĩa tông tộc nhưng thiếu hẳn chủ nghĩa dân tộc” (*), thì với Việt Nam lại không như thế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm 20 của thế kỷ XX đã khẳng định “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước”(**). Sẽ hiểu đúng khái niệm “chủ nghĩa dân tộc” ấy khi hiểu thêm về lời khuyến cáo tiếp theo: “người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ”. Mỗi khi động lực ấy được khởi động, thì “nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(***).
Lịch sử đau thương và oai hùng của dân tộc ta đã chứng minh điều đó, từng chỉ rõ tinh thần dân tộc ấy gắn liền với đức khoan dung, làm nên cốt cách dân tộc. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử, kể từ cương lĩnh dựng nước của Khúc Hạo năm 906, mở đầu thời kỳ tự chủ đã ghi: “Chính sự cốt chuộng sự khoan dung, giản dị... để cho trăm họ được yên vui”. Kế thừa một cách sáng tạo tinh thần dân tộc gắn với đức khoan dung đó làm nên sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thấm nhuần tinh thần đó, bằng bản lĩnh chính trị của một người chiến sĩ cách mạng vào sinh ra tử từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Cách mạng Tháng 8, trong đầu sóng ngọn gió của hai cuộc kháng chiến, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói rõ: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh, khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”(****).
Nhân ngày giỗ Tổ, phải chăng một việc làm thiết thực và cụ thể là nhắc lại những tư tưởng lớn đó, những tư tưởng đã thấm sâu vào máu Việt Nam: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
--------------------------------------
(*) Tư tưởng đạo đức Hồ chí Minh” NXB KHXH – Hà Nội. 1993, tr. 217
(**) Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 1. NXB CTQG Hà Nội 1995, tr. 466, 467
(***) Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6. NXB CTQG Hà Nội 1995, tr. 171
(****) Báo Quốc Tế ngày 13.4.2005, in lại trong Những câu chuyện về anh Sáu Dân, NXB Thông tấn. Hà Nội 2008, tr.75
Ý kiến ()