Gìn giữ văn hóa từ không gian Tết xưa
Hoạt động tái hiện không gian Tết xưa tại bảo tàng, trường học, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, các địa điểm công cộng đã không còn xa lạ những năm trở lại đây, song niềm vui, háo hức đón Tết cổ truyền thì năm nào cũng vậy. Dù chỉ là check-in lưu giữ khoảnh khắc sum vầy bên gia đình, bạn bè trước thềm Tết Nguyên đán, trải nghiệm gói bánh chưng, đi chợ quê hay muốn được tìm về, hòa mình trong không gian Tết xưa… đều là cách người trẻ thể hiện tình yêu, niềm trân trọng, nâng niu những phong tục, tập quán đẹp đẽ, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Tết đến, xuân về là lúc khép lại năm cũ, mở ra một năm mới với bao niềm tin và ước vọng về những điều tốt đẹp, an lành, hạnh phúc, may mắn, thành công. Đặc biệt, với mong muốn gìn giữ, giúp giới trẻ hiểu hơn về những giá trị tốt đẹp của ông cha, trân quý hơn những giá trị văn hoá dân tộc, hoạt động tái hiện không gian Tết xưa được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú.
Ở TP Hạ Long, khi mùa Giáng sinh an lành, ấm áp qua đi, không ít quán cà phê đã nhanh chóng “khoác áo mới” cho mình bằng những thiết kế, trang trí không gian mang không khí ngày Tết cổ truyền để đón khách. Tuy mỗi quán có kiểu trang trí riêng nhưng hầu hết các tiểu cảnh đều mang phong cách Tết xưa, gửi gắm hoài niệm về những ngôi nhà với đồ vật cổ, có câu đối đỏ, hoa mai, hoa đào, hoa cúc, bánh chưng, dưa hấu, dây pháo, bao lì xì…
Chị Trần Việt Phương, chủ quán Opal tầng thượng coffee and tea (TP Hạ Long), chia sẻ: Nắm bắt xu hướng của giới trẻ hiện nay, theo từng mùa lễ hội trong năm, chúng tôi chủ động thiết kế không gian, trang trí, bày biện những phụ kiện tạo nên góc check-in phù hợp để thu hút khách hàng. Nhất là trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, cùng với việc trang trí không gian quán mang sắc đỏ đặc trưng ngày Tết, chúng tôi cũng có thêm dịch vụ cho thuê áo dài truyền thống, chụp ảnh phục vụ khách hàng. Là một người trẻ yêu mến văn hóa truyền thống, tôi mong muốn việc tạo nên phong vị Tết cổ truyền, gần gũi trong không gian quán cà phê hiện đại cũng là cách để giúp thế hệ trước được hoài niệm về ký ức tuổi thơ, còn thế hệ trẻ thì thêm trân trọng và gìn giữ những nét đẹp bình dị của Tết Việt xưa và lưu lại những khoảnh khắc đón Tết đáng nhớ bên gia đình, bạn bè.
Những ngày này, tại Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh, không khí vui tươi, rộn ràng chuẩn bị cho chương trình trải nghiệm Tết “Thanh niên với góc phố ngày xuân” đang được nhanh chóng hoàn thiện để đón thanh thiếu nhi đến vui chơi. Thông qua các hoạt động gói bánh chưng, trò chơi dân gian, viết thư pháp, ẩm thực chợ quê, workshop trang trí Tết và góc check-in sẽ tái hiện một không gian Tết xưa bình dị, vui tươi, là nơi để các bạn thanh thiếu nhi không chỉ được tham quan, trải nghiệm văn hóa mà còn học thêm nhiều kỹ năng bổ ích.
Giám đốc Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Bùi Thị Vân Anh cho biết: Trong nhịp sống hiện đại khá bận rộn, hối hả, nhiều gia đình cũng không có thời gian để cùng các con trải nghiệm văn hóa ngày Tết như nấu cỗ, gói bánh chưng, đi chợ Tết... Vì vậy, thông qua chương trình trải nghiệm Tết “Thanh niên với góc phố ngày xuân” đã được duy trì tổ chức nhiều năm nay, chúng tôi mong muốn giúp thanh thiếu nhi được tìm hiểu cụ thể, sinh động và tham gia trực tiếp các hoạt động ngày Tết, hòa mình vào không khí đón Tết sớm thông qua những hoạt động trải nghiệm ý nghĩa thay vì chỉ đọc thông tin, kiến thức trên sách, báo, xem tivi. Từ đây, tạo môi trường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho các em một cách gần gũi, thiết thực và hiệu quả.
Cùng với đó, tại nhiều khách sạn lớn như Mường Thanh, Novotel, Citadines... đã bố trí không gian Tết cổ truyền ấm cúng với nhiều hoạt động trải nghiệm Tết Việt Nam độc đáo cho du khách nước ngoài. Du khách được dạy làm các loại bánh, mứt truyền thống; hướng dẫn cách chơi các trò chơi dân gian; tìm hiểu văn hóa ngày Tết Việt Nam… Dự kiến từ ngày 22/1-2/2/2025 tại sân Cột cờ, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh sẽ diễn ra Lễ hội không gian văn hóa Tết các dân tộc tỉnh Quảng Ninh với những nét phong tục độc đáo, mang nhiều ý nghĩa, nhằm giới thiệu tới nhân dân, du khách bức tranh Tết đa sắc màu văn hóa ở Quảng Ninh.
Bằng muôn vàn cách thức khác nhau, việc tái hiện không gian Tết Việt xưa không chỉ thay lời khẳng định dù trải qua bao thăng trầm của thời gian, những phong tục đón Tết cổ truyền sẽ vẫn được người dân gìn giữ, thực hành trong đời sống, đồng thời thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, niềm trân trọng, tự hào với văn hóa dân tộc ngàn đời của mỗi người dân.
Ý kiến ()