Giảm thuế thu nhập hỗ trợ doanh nghiệp
Ngày 28/11, thảo luận về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng các chính sách thuế TNDN hiện vẫn chưa thực sự hỗ trợ, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Dự luật quy định áp dụng thuế suất 15% với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỉ đồng, thuế suất 17% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trên 3 tỉ đồng đến không quá 50 tỉ đồng, thay vì mức chung 20% như hiện nay.
Vẫn tạo cảm giác bất bình đẳng
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng mức này là một bước đi tích cực nhằm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đó là giúp giảm gánh nặng, giúp các doanh nghiệp này cải thiện dòng tiền, duy trì hoạt động và mở rộng khả năng sản xuất, kinh doanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.
Theo ông, hiện nay nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần lớn tổng doanh nghiệp tại Việt Nam và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cũng như giải quyết việc làm. Việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi có thể thúc đẩy phát triển nhóm doanh nghiệp này.
Tuy nhiên việc áp dụng chính sách này vẫn còn một số bất cập, cần xem xét khả năng hiệu quả và tính khả thi. Trước hết, ngưỡng doanh thu 3 tỉ đồng thuế suất 15% là quá thấp so với thực tế kinh doanh của nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt ở các lĩnh vực như dịch vụ thương mại hoặc các ngành có chi phí cao.
Điều này hạn chế số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện, khoảng cách giữa ngưỡng doanh thu 3 tỉ đồng và 50 tỉ đồng có sự chênh lệch lớn về quy mô giữa hai nhóm nhưng chỉ chênh lệch 2%, tạo cảm giác bất bình đẳng.
Dự luật sử dụng tiêu chí doanh thu trong khi các yếu tố khác như lao động và tổng tài sản cũng cần được xem xét để phân loại doanh nghiệp.
Với mức này, doanh nghiệp có thể chia nhỏ doanh thu để hưởng thuế suất thấp hơn.
Điều này làm giảm hiệu quả quản lý thuế và gây thất thu ngân sách.
Cùng với đó doanh nghiệp trong ngưỡng doanh thu gần 3 tỉ đồng hoặc 50 tỉ đồng có thể tránh tăng trưởng để không phải chịu thuế suất cao hơn, kìm hãm sự phát triển dài hạn.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng việc thuế giảm 15% cho doanh nghiệp có doanh thu 3 tỉ là "không giải quyết được gì".
Bởi nếu chia ra trong một ngày doanh nghiệp đó doanh thu chưa đến 10 triệu, tức là tương đồng với các hộ kinh doanh cá thể. Vì vậy ông Thân đề nghị không nên quy định việc áp thuế cứng 15% và nếu làm được như vậy thì doanh nghiệp sẽ rất phấn khởi tham gia sản xuất, kinh doanh.
Mở rộng chính sách thuế để tăng hỗ trợ
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ ủng hộ đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ nên có chế độ, chính sách thuế tốt, để doanh nghiệp vừa và nhỏ có đủ điều kiện để hoạt động vì vốn liếng của họ không có nhiều.
Ngoài ra đề nghị dự thảo luật cũng không nên quy định nhiều mức thuế phổ thông và mức thuế ưu đãi 10% vì sẽ gây khó khăn, phức tạp trong thực hiện, nên chỉ cần căn cứ vào tiêu chí doanh thu để xác định mức thuế.
"Đã quy định mức thuế cụ thể là 17%, 15%, 10% rồi lại còn quy định thêm một số mức thuế nữa làm gì, nếu cơ quan thuế có tiêu cực, móc nối với doanh nghiệp lợi dụng việc quy định chính sách này để thực hiện mức thuế thấp hơn nữa thì rất khó khăn" - ông Hòa nói.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) cho rằng dự thảo giữ nguyên mức thuế suất doanh nghiệp phổ thông là 20%, nhưng cũng bổ sung thêm nội dung với doanh nghiệp có doanh thu 3 tỉ và dưới 50 tỉ đồng là không phù hợp.
Bởi mức thuế thu nhập nhìn chung có ưu đãi cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng mức thuế suất chung là 20% vẫn cao.
Bởi khi so sánh với các nước trong khu vực ASEAN thì mức thuế suất thuế TNDN phổ thông của Việt Nam 20% bằng với mức thuế suất đang áp dụng tại Thái Lan, Lào, Campuchia nhưng lại cao hơn so với Singapore là 17% và Brunei là 18,5%.
"Để có thể khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung, nên cân nhắc giảm thêm mức thuế TNDN phổ thông xuống khoảng 19% để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển phục hồi sau giai đoạn hậu dịch COVID-19" - bà Lệ nói.
Ý kiến ()