"Chạy nước rút" giải ngân vốn đầu tư công
Đến 30/11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới đạt 48,1% kế hoạch sau điều chỉnh, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (54,2%). Với mục tiêu này, dự kiến đến ngày 31/12 sẽ khó đạt được mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn sau điều chỉnh.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh là trên 12.000 tỷ đồng, giảm trên 2.200 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm. Đến hết tháng 11/2024, mới chỉ giải ngân được gần 6.000 tỷ đồng, đạt 48,1% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách cấp tỉnh của các nhóm dự án hoàn thành, chuyển tiếp đều không đạt theo chỉ đạo của tỉnh; tỷ lệ giải ngân vốn chấm điểm, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn kéo dài không đạt kế hoạch đề ra; công tác thu hồi vốn tạm ứng chưa đảm bảo yêu cầu.
Mặc dù từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 40 văn bản chỉ đạo, điều hành, thông báo kết luận về xây dựng cơ bản và giải ngân đầu tư công, trọng tâm là tháo gỡ khó khăn tồn tại do nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thi công xây dựng công trình. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn hằng tháng không đạt cao so với mục tiêu. Mặc dù thời tiết hiện rất thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án và thực hiện thanh quyết toán, tuy vậy, trong 7 ngày (từ 22/11-30/11/2024), các chủ đầu tư cấp tỉnh mới chỉ giải ngân được thêm 47,2 tỷ đồng; các chủ đầu tư cấp huyện giải ngân thêm trên 250 tỷ đồng.
Thời gian còn lại của năm, toàn tỉnh phải giải ngân trên 6.000 tỷ đồng, đây là một áp lực lớn đối với các cấp, các ngành và chủ đầu tư các dự án, công trình. Một số chủ đầu tư, địa phương còn tồn đọng số vốn lớn, như: Ban QLDA đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp 490 tỷ đồng, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông 738 tỷ đồng, Công an tỉnh 409 tỷ đồng, TP Hạ Long 1.140 tỷ đồng, TP Đông Triều 468 tỷ đồng...
Những ngày cuối năm 2024, thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm và khởi công toàn bộ các dự án trên địa bàn. UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, UBND các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ quyết toán dự án hoàn thành, tất toán (mã dự án) đối với các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở để phân bổ kế hoạch vốn, giải quyết dứt điểm các tồn đọng, không để kéo dài sang giai đoạn tiếp theo.
Các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ thu hồi vốn tạm ứng, nhất là số dư tạm ứng năm 2022 trở về trước, hoàn thành trước 31/12/2024; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực tổ chức thi công đồng loạt tại những vị trí của dự án đã có mặt bằng; kiên quyết loại bỏ, thay thế những nhà thầu năng lực yếu, chây ì trong tổ chức phương án thi công, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và thực hiện thanh quyết toán nguồn vốn.
Các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên thực hiện bồi thường, GPMB đối với phần diện tích có đủ điều kiện, không để tình trạng dự án chờ mặt bằng. Kho bạc Nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phối hợp với chủ đầu tư, cơ quan tài chính đồng cấp trong thực hiện nhập, phê duyệt kế hoạch vốn vào TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) theo quy định, làm cơ sở để triển khai, thực hiện, kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc đẩy mạnh giao dịch điện tử qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của kho bạc, kịp thời thanh toán khối lượng ngay khi có khối lượng hoàn thành của các dự án, tránh tình trạng có khối lượng hoàn thành nhưng chưa thể thực hiện thanh toán.
Ý kiến ()