
Đường hầm xuyên vịnh Cửa Lục
Năm 2019 phải khởi công được dự án đường hầm xuyên vịnh Cửa Lục - nội dung này vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và thống nhất hoàn tất các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Theo phương án đơn vị tư vấn xây dựng, đường hầm xuyên vịnh Cửa Lục kết nối 2 trục đường chính trên 2 bờ vịnh đó là đường Hạ Long (phía Bãi Cháy) và Lê Thánh Tông (phía Hòn Gai). Điểm đầu tuyến nằm trên đường Hạ Long, sau nút giao thông vào cổng Công viên Sun World Hạ Long 50m, cách cột cáp treo Nữ Hoàng khoảng 300m. Điểm cuối tuyến nằm trên đường Lê Thánh Tông, trước ngã 5 giao với Đường 25/4 khoảng 50m. Đây là công trình hầm cấp đặc biệt, với 6 làn xe, thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị TCVN 104-2007. Tổng chiều dài dự án 2.140m; dự kiến tổng đầu tư trên 7.875 tỷ đồng.
Đây là công trình quan trọng, sẽ tạo thêm một hướng kết nối giữa khu vực Bãi Cháy và khu vực Hòn Gai, đảm bảo mọi loại xe có thể lưu thông, kể cả trong trường hợp mưa bão. Công trình sẽ nâng cao năng lực kết nối, thông thương đường bộ giữa TP Hạ Long, Đặc khu Vân Đồn, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái... với cả nước. Đồng thời, kết nối thuận lợi hơn giữa khu du lịch phía Tây TP Hạ Long với khu hành chính, văn hóa và các khu dân cư phía Đông thành phố; giảm tải cho QL18 đoạn qua TP Hạ Long cũng như cho cầu Bãi Cháy, xóa điểm đen ùn tắc ngã 4 Loong Toòng...
Đường hầm xuyên vịnh Cửa Lục là niềm mong ước của người dân bên bờ thành phố Di sản. Bởi TP Hạ Long phân cách làm 2 khu vực Hòn Gai và Bãi Cháy, được kết nối nhờ cây cầu độc nhất – cầu Bãi Cháy. Cây cầu được đưa vào sử dụng từ năm 2006 thay cho phà Bãi Cháy cũ. Vì sự độc đạo của cây cầu nên tình trạng tắc nghẽn giao thông ở phía Hòn Gai thường xuyên xảy ra. Sự quá tải của cầu Bãi Cháy đã bắt đầu thấy rõ, nhất là trong tình hình hiện nay khi mật độ phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, lượng khách du lịch đổ sang khu vực phía Hòn Gai ngày càng nhiều. Điều đáng lo lắng hơn là sự ngưng trệ về giao thông khi qua cầu Bãi Cháy không chỉ diễn ra trong những ngày có gió bão cấp 6 trở lên mà chỉ cần một vụ tai nạn nhỏ trên cầu cũng khiến giao thông bị đình trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân TP Hạ Long, giao thương hàng hóa.
Giảm tải cho cầu Bãi Cháy, đảm bảo giao thông thông suốt, kết nối du lịch giữa Bãi Cháy và Hòn Gai, đã được lên phương án tính toán đầu tư. Tại Kỳ họp bất thường năm 2017, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó đã đề cập đến việc nghiên cứu xây dựng đường hầm xuyên vịnh Cửa Lục.
Làm đường hầm dưới biển là phương án giao thông được rất nhiều nước lựa chọn đầu tư để vừa đảm bảo giao thông, vừa thúc đẩy kết nối, phát triển giữa các khu vực trong cùng địa bàn. Như hầm Seikan chạy bên dưới eo biển Tsugaru nối liền hòn đảo Honshu với đảo Hokkaido (Nhật Bản). Hay như đường hầm tại eo biển Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) đã giúp giảm tải áp lực cho giao thông nối hai lục địa Âu – Á. Rồi cầu xuyên biển trong đó có đường hầm dài nhất thế giới nối tỉnh Quảng Đông ở phía Nam Trung Quốc với Hồng Kông và MaCao đã thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa đại lục và 2 đặc khu hành chính…
Từ kinh nghiệm thế giới thấy rằng, quyết tâm dứt khoát phải khởi công được dự án này trong năm 2019, không chỉ đáp ứng mong mỏi của người dân bên bờ thành phố di sản, mà còn là tầm nhìn của tỉnh Quảng Ninh trong việc đảm bảo giao thông thông suốt, tạo điểm nhấn trong định hướng phát triển lấy du lịch làm trọng tâm từ TP Hạ Long.
Ngọc Lan
Ý kiến ()