Đừng để nước đến chân mới nhảy
Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân dẫn đến tái phát dịch cúm gia cầm ở các địa phương trên trước hết là do sự lơ là, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương; cùng với đó là tư tưởng chủ quan, ý thức kém của người dân mà cụ thể là các chủ hộ chăn nuôi gia cầm. Phần lớn số gia cầm nhiễm bệnh là ở những đàn ấp nở trái phép, chưa tiêm phòng vác xin...
Trong mấy năm gần đây, năm nào nước ta cũng có ổ dịch cúm gia cầm tái phát và lan ra diện rộng. Mặc dù đã có nhiều thành công trong công tác phòng, chống dịch (được thế giới ghi nhận) thế nhưng thiệt hại do dịch gây ra vẫn hết sức nặng nề. Hàng chục ngàn tỷ đồng phải chi cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người chăn nuôi, hàng triệu con gia cầm buộc phải tiêu huỷ trong sự tiếc nuối, đau đớn của người nuôi; tốn bao công sức của các cơ quan chức năng và người dân. Không chỉ có thế nó còn gây ra cái chết thương tâm của một số người do nhiễm vi rút H5N1 và kìm hãm sự phát triển ở một số ngành, làm giá thực phẩm trên thị trường biến động mạnh... Tai hại ghê gớm như thế nhưng những bài học, kinh nghiệm để lại chưa thấm sâu vào ý thức của người dân và trách nhiệm của các cấp chính quyền.
Với Quảng Ninh, nguy cơ tái bùng phát dịch là rất lớn bởi hàng ngày vẫn có một lượng lớn gia cầm vận chuyển từ tỉnh ngoài vào và từ bên kia biên giới nhập lậu sang. Vì vậy không thể chủ quan, coi thường cho rằng ổ dịch còn ở xa mà lơ là việc chống dịch. Hiện tại cần tập trung kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch cũ; ngăn chặn hiệu quả gia cầm nhập lậu qua biên giới; tăng cường giám sát ở cơ sở để kịp thời phát hiện, dập dịch ngay khi mới tái phát. Và điều quan trọng hơn cả là phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch, đừng để nước đến chân mới nhảy, lúc đó hậu quả sẽ khôn lường.
Ý kiến ()