Dựng “Bức tường thép” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài để tạo “bức tường thép”, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng ta.
Trong thời đại bùng nổ CNTT, đặc biệt là mạng xã hội hiện nay, hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ Đảng ta trên không gian mạng của các thế lực thù địch diễn ra với quy mô, cường độ ngày càng lớn; các thủ đoạn lừa đảo người dân ngày càng tinh vi, đa dạng... Theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, trung bình một tháng các thế lực thù địch, cơ hội chính trị phát tán trên 130.000 bài viết, video clip xuyên tạc lên internet, mạng xã hội. Thông qua việc giật tít, đưa tin thật giả lẫn lộn để “câu view”; tạo lập các website, blog, facebook, fanpage giả mạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín; sử dụng dịch vụ thư điện tử (email), dịch vụ chat (nhắn tin, hội thoại), diễn đàn…, các thế lực thù địch đã tung tin, bài xấu độc, âm mưu tạo dựng những nhận thức sai lệch, hoài nghi, hoang mang, dao động, thúc đẩy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Những hoạt động đó đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin vào đất nước, vào vai trò của Đảng.
Trước thực trạng này, thời gian qua công tác đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng đã được các cấp chính quyền, đơn vị, đoàn thể tăng cường thực hiện với nhiều giải pháp. Toàn tỉnh thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, thông tin xấu, độc. Trong đó đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị và Quy định số 85-QĐ/TW ngày 7/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội, gắn với vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; Hướng dẫn số 99-HD/BTGTW ngày 20/3/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện Quy định số 85-QĐ/TW về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội. BTV Tỉnh ủy đã ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá thông tin giả, sai sự thật, xấu, độc trên không gian mạng về tỉnh Quảng Ninh” và Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá thông tin giả, sai sự thật, xấu độc trên không gian mạng về tỉnh Quảng Ninh.
Qua đó, các địa phương, đơn vị đã triển khai công tác thông tin tuyên truyền một cách sâu rộng, bài bản, kịp thời với hình thức phong phú, nội dung đa dạng, phát huy tối đa sức mạnh báo chí, truyền thông với quan điểm xuyên suốt là “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, tạo dòng chủ lưu thông tin tích cực; các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, xây dựng kế hoạch và tổ chức thông tin, tuyên truyền chủ động tích cực; đảm bảo tính chính trị, tính định hướng, nhất là đối với các vấn đề thời sự, chính trị, các vấn đề quan trọng, phức tạp có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá chưa thống nhất; từ đó góp phần tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Ban Chỉ đạo 35 các cấp đã lập trên 400 trang, tài khoản facebook, youtube để cung cấp thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận với gần 980.000 thành viên. Một số trang mạng xã hội của tỉnh hoạt động hiệu quả, có uy tín, đông người theo dõi, được nhân dân đón nhận và đánh giá cao như: Tôi yêu Quảng Ninh, Tự hào Quảng Ninh, Tuyên giáo Quảng Ninh, fanpage QMG - Tin tức Quảng Ninh 24/7 của Trung tâm Truyền thông tỉnh, Quảng Ninh Express, Leng Keeng, Hạ Long muôn màu, Người thợ… Các trang, nhóm, tài khoản trên mạng xã hội đã góp phần kịp thời cung cấp thông tin chính thống, phản bác thông tin giả, sai sự thật, định hướng dư luận xã hội. Đặc biệt, có sự đa dạng hóa các hình thức đăng tải tin bài trên mạng xã hội. Nếu như trước đây chủ yếu là các bài viết dài, ít người tương tác, thì đến nay các nội dung thông tin đã được chuyển thể bằng hình ảnh, video, các khẩu hiệu ngắn đảm bảo dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu. Vì thế số lượng người tương tác và tiếp cận thông tin đăng tải ngày càng tăng.
Riêng năm 2024, các trang, nhóm, tài khoản trên mạng xã hội của Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy và các địa phương đã tích cực đăng tải trên 14.000 tin bài, hình ảnh, video clip để cung cấp thông tin chính thống, kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin quan điểm sai trái, thù địch. Nhiều bài viết thu hút được hàng chục nghìn người tiếp cận; trên các tài khoản cá nhân facebook của thành viên nhóm chuyên gia đã đăng tải, chia sẻ hàng nghìn tin bài, tạo hiệu ứng sâu rộng trong cộng đồng mạng, trong nhân dân... Đồng thời rà soát, tiến hành xác minh, nhắc nhở, tiếp xúc răn đe 124 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 17 trường hợp có hành vi đăng tải thông tin thiếu chính xác, khách quan, gây ảnh hưởng đến cộng đồng.
Đối phó, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội là quá trình lâu dài, phức tạp. Bởi vậy mỗi công dân cần có thái độ khách quan, nhìn nhận trách nhiệm này theo hướng chủ động, tăng cường đối phó, đấu tranh, ngăn chặn để giảm tác hại, ảnh hưởng tiêu cực, chứ không thể tiêu diệt nó một cách triệt để. Chỉ khi nhận thức được như vậy sẽ có được thái độ và hành vi ứng xử phù hợp trong môi trường thông tin số, thích ứng với nó và có giải pháp căn cơ, bền vững, lâu dài.
Ý kiến ()