Động lực mới giúp nền kinh tế Việt Nam bứt phá trong năm 2025
GDP Việt Nam năm 2024 tăng trưởng ấn tượng 7,09%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng, lạm phát được kiểm soát... Đây là những tiền đề quan trọng để năm 2025 nền kinh tế tăng tốc và về đích.
Làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - thông tin, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, năm 2024 nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu 6-6,5% đã đề ra.
Tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý, lạm phát thấp hơn mức mục tiêu, các cân đối lớn được đảm bảo, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu đề ra, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê ngày 6.1, GDP quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước. GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024.
Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, kết quả tích cực của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025 nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - cho rằng, Chính phủ đã nhận thức rõ ràng trong giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ này (đến năm 2025) và cả trong nhiệm kỳ tiếp theo, cần phải tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng này, đặc biệt là chú trọng vào đầu tư. Trong đó, việc thúc đẩy đầu tư công sẽ là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng.
“Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng việc đẩy mạnh đầu tư tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững. Tôi tin rằng, đầu tư tư nhân sẽ trở thành yếu tố then chốt trong chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo, mang lại những cơ hội lớn cho sự thịnh vượng của đất nước. Để thúc đẩy đầu tư tư nhân, trong bối cảnh khó khăn và hạn chế về các gói kích thích kinh tế, Chính phủ cần triển khai các chương trình bình ổn giá cả, thúc đẩy hàng Việt Nam chất lượng cao và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Các chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân cần thực chất, vừa thúc đẩy cung vừa hỗ trợ cầu, giúp giảm giá thành sản phẩm và nâng cao giá trị nội địa trong hàng xuất khẩu” - TS Nguyễn Quốc Việt đánh giá.
Tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế
Theo các chuyên gia, để tiếp đà tăng trưởng của năm 2024 và bứt tốc mạnh mẽ vào năm 2025, bên cạnh thúc đẩy các động lực đầu tư công, đầu tư tư nhân và duy trì đà phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu, cần tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế và có các chính sách ứng phó linh hoạt, kịp thời với bối cảnh tình hình trong nước.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần quyết tâm thực hiện một cách nhanh, gọn và hiệu quả hai chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước là đột phá về thể chế và cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy. Phải thực sự đột phá, từ khâu làm luật cho đến khâu thực thi và giám sát luật.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng, khi chúng ta cải cách tốt về thể chế thì tăng trưởng kinh tế sẽ rất tích cực. Vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta cũng cần phải khai thác tốt hơn nguồn lực tăng trưởng mới này" - TS Cấn Văn Lực kiến nghị.
Ý kiến ()