Động lực cho phát triển nhanh, bền vững
Ngày 27/11/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, trong đó xác định chủ đề năm 2024 là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Trước đó, ngày 30/10/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết riêng về phát triển văn hóa, con người.
Quảng Ninh được biết đến là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử văn hoá với hơn 629 di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh. Trong đó có những di tích được xếp hạng di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, có những di sản văn hoá phi vật thể được xếp hạng cấp quốc gia cần bảo tồn, gìn giữ. Quảng Ninh là nơi cư trú của nhiều dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc lại bảo tồn được những nét đẹp văn hoá truyền thống riêng là những tập tục cưới hỏi, lễ hội, trang phục, nhà ở, chữ viết.
Những kết quả khảo cổ học cho thấy người Việt cổ đã cư trú ở Quảng Ninh liên tục từ hàng ngàn năm, phân bố trên các đảo, ven biển từ Móng Cái đến Hạ Long, Quảng Yên. Quá trình sinh sống, họ đã sáng tạo ra các giá trị văn hoá biển là những nhân sinh quan, tín ngưỡng, nghệ thuật, phương thức sản xuất, tri thức dân gian... Trong đó, nhiều giá trị đã và đang được các thế hệ hôm nay gìn giữ, bồi đắp, phát huy.
Cuộc xâm chiếm khu mỏ than của thực dân Pháp năm 1883 và quá trình vơ vét tài nguyên than của các chủ mỏ Pháp đã đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. Từ các cuộc tranh đấu của thợ mỏ với chủ mỏ chống áp bức bóc lột mà điển hình là cuộc tổng đình công của hơn 3 vạn thợ mỏ tháng 11/1936 đã góp phần hun đúc nên tính kỷ luật - đồng tâm. Những giai đoạn ngành than gặp khó khăn, chính tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” là sức mạnh để cán bộ, công nhân và người lao động ngành than đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn.
Thế hệ con cháu của những thợ mỏ kế tiếp gắn bó với vùng mỏ Quảng Ninh, có nơi họ sinh sống thành những phố mỏ, làng mỏ để rồi hình thành một nét đặc trưng văn hoá của con người Quảng Ninh đó là văn hoá công nhân mỏ. Văn hoá biển và văn hoá công nhân mỏ có đặc trưng nhưng cũng có sự giao thoa với nhau, kết hợp với văn hoá đồng bào các dân tộc thiểu số của Quảng Ninh để tạo nên hệ giá trị văn hoá, con người Quảng Ninh.
Những năm qua, kinh tế - xã hội của Quảng Ninh ngày càng phát triển. Đó là điều kiện để tỉnh chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho nhân dân. Trên chặng đường bước tiếp để xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh giàu đẹp, những giá trị văn hoá, hệ giá trị người Quảng Ninh được xác định là nguồn nội sinh, là động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa” và “Văn hóa không thể đứng ngoài, mà phải trong kinh tế và chính trị”. Kinh tế là nền tảng vật chất, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Kinh tế và văn hóa trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối cùng đều phục vụ nhiệm vụ chính trị là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, đạo đức, văn minh.
Tư tưởng chỉ đạo, chủ trương xuyên suốt mà Đảng ta đã đề ra trong nhiều nhiệm kỳ qua là “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Ý kiến ()