"Đồng chí ngủ" trong bão
Dù có thông cảm với lãnh đạo những địa phương bị bão Durian tàn hại tới đâu, thì Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng phải nói thẳng: "Nếu trong cơn bão cấp 14, 15, có đồng chí thường vụ tỉnh Bình Thuận có mặt cùng nhân dân đảo Phú Quí thì dân đã ấm lòng hơn". Và có thể đã có những chỉ đạo sát sao hơn nhằm giảm bớt thiệt hại cho đảo Phú Quí. Dù chưa một lần tới đảo Phú Quí, nhưng tôi biết bà con ở đảo này phần lớn là người gốc Quảng Ngãi. Người gốc Quảng, lại là dân biển, nên dân Phú Quí không lạ gì những cơn bão lớn. Nhưng "lực bất tòng", họ không thể làm gì hơn khi thuyền bè thiếu vũng neo đậu an toàn, dẫn đến chìm một lúc mấy trăm chiếc, còn nhà cửa thì do thiếu kiên cố nên bị trốc mái hay sập đổ nhiều. Nhưng bão Durian đã được tỉnh Bình Thuận biết sẽ đổ vào Phú Quí trước gần 2 ngày, nếu có lãnh đạo tỉnh cùng ra đảo chống bão với dân, huy động thêm nhân lực và phương tiện, cộng thêm tinh thần trách nhiệm, thì có lẽ thiệt hại không lớn như thế.
Cũng như vậy nhưng còn bị thiệt hại hơn rất nhiều là những tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu hay Bến Tre, Tiền Giang. Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - vốn là người Bến Tre - đã nói một cách rất buồn lòng: "Có đồng chí (lãnh đạo tỉnh) còn ngủ ở nhà trong lúc bão hoành hành". Chính những người dân ở các địa phương này sau bão đã thú thực là không được chính quyền thông báo di dời hay có giải pháp cụ thể gì chống bão mới nên nỗi! Ai cũng biết, Nam Bộ là vùng đất rất ít khi có bão lớn, người dân ở đây chưa có kinh nghiệm và ý thức thường trực đương đầu với bão.
Nhưng như thế lại càng cần đến tinh thần trách nhiệm và ý thức vì dân của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo. Chưa bao giờ Chính phủ lại có những động thái quyết liệt, không chỉ cảnh báo hay chỉ đạo, mà còn đề ra những giải pháp cụ thể để chống bão như thời gian vừa qua. Nếu so với bão Xangsane thì bão Durian có cường suất yếu hơn, nhưng vì sao so về tác hại thì bão Durian thậm chí còn gây nhiều thiệt hại về nhân mạng và tài sản hơn cả bão Xangsane? Không thể đơn giản "đổ tội" cho bão có đường đi khó lường hay đổ cho dân chủ quan như có lãnh đạo vài địa phương đã nói, mà trước hết phải thấy sự thiếu "100% trách nhiệm" của mình trong việc phòng chống thiên tai. Đối với việc chống bão thì không thể nói "90% trách nhiệm" là đủ, vì ai cũng biết, chỉ với 10% thiếu trách nhiệm từ chính quyền, từ những người lãnh đạo trực tiếp những địa phương có bão, thì tai họa sẽ khôn lường!
Ý kiến ()