Dồn ghép điểm trường vùng cao: Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó
Những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách nên đã tạo động lực cho giáo dục vùng khó có điều kiện vươn lên. Nhiều mái trường đã dần thay thế phòng học tạm bằng những phòng học kiên cố, vững chãi, đảm bảo an toàn mỗi mùa bão lũ. Đặc biệt, việc dồn ghép điểm trường vùng cao đã giúp cho nhiều học sinh có cơ hội được thụ hưởng đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, ăn nghỉ bán trú và học 2 buổi/ngày.
Năm học này, Trường Tiểu học Hoành Mô (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) có 544 học sinh, 27 lớp. Đáng nói, nhà trường chỉ còn 6 điểm trường, giảm 1 điểm so với năm học trước là điểm Nà Pò. 26 học sinh các khối lớp 3, 4 điểm trường Nà Pò trước kia được chia ra để dồn ghép về 2 điểm Đồng Cậm và Nà Choòng. Sau khi về các điểm trường mới, việc học tập của các em được thuận lợi hơn rất nhiều, được học nhóm, học trải nghiệm ngoài trời... Riêng 15 học sinh lớp 4 dồn về điểm Đồng Cậm còn có điều kiện được ăn ngủ bán trú tại trường, học 2 buổi/ngày. Đồng thời, được học tập trong môi trường, sinh hoạt cơ sở vật chất hiện đại, với hệ thống phòng ký túc xá, nhà vệ sinh mới.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Khuyến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoành Mô, cho biết: Học sinh ở các điểm trường lẻ chủ yếu là người dân tộc thiểu số, cha mẹ đi làm rừng sớm tối. Để phụ huynh đồng thuận với chủ trương dồn ghép điểm trường, thầy cô giáo trong trường phải tích cực vận động tới từng nhà các em, bởi khi di chuyển về các điểm trường xa hơn thì phụ huynh phải cùng đồng hành, vất vả hơn trong việc đưa đón con. Vì thế, có những gia đình, chúng tôi phải đi lại vận động nhiều lần, cha mẹ học sinh mới đồng ý. Tuy nhiên, giờ đây, khi thấy các con được học tập trong môi trường mới khang trang, đủ đầy, hầu hết phụ huynh đều yên tâm, hài lòng.
Tại huyện Bình Liêu, trong những năm qua đã có một số trường học, điểm trường lẻ được sáp nhập, dồn ghép. Cụ thể, năm học 2020-2021, huyện thực hiện sáp nhập Trường Tiểu học Đồng Văn và Trường PTDTBT THCS Đồng Văn thành Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đồng Văn. Năm học 2021-2022, thực hiện dồn học sinh điểm trường Kéo Chản về điểm trường Ngàn Vàng Dưới (Trường Tiểu học Đồng Tâm), dồn học sinh điểm Nà Làng (Trường Tiểu học Tình Húc) về Tiểu học thị trấn Bình Liêu; dồn học sinh điểm Bản Làng về điểm Bản Ngày (Trường Tiểu học Vô Ngại).
Ông Vi Tiến Vượng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, cho biết: Năm học 2022-2023, toàn huyện có 24 trường, 1 trung tâm GDNN-GDTX và 7 trung tâm học tập cộng đồng. Toàn huyện có 114 điểm trường, 414 nhóm, lớp, giảm 10 nhóm lớp và giảm 2 điểm trường so với năm học trước. Đó là: Điểm Nà Pò (Trường Tiểu học Hoành Mô) và điểm Sam Quang (Trường Tiểu học Đồng Tâm).
Không riêng huyện Bình Liêu, tại các địa phương khác như Ba Chẽ, Tiên Yên, TP Hạ Long... cũng đã tích cực thực hiện dồn ghép các nhóm lớp, điểm trường lẻ để nâng cao chất lượng học tập. Nhiều nơi đã thực hiện đưa học sinh lớp 4, 5 ở các điểm trường lẻ về điểm trường chính học bán trú hoặc về các điểm trường gần (có khoảng cách từ 2km đến 2,5km đường giao thông thuận lợi) để học tập trung. Đối với các lớp có số học sinh ít, tiến hành ghép để tăng số học sinh trên một lớp. Đơn cử, tại huyện Tiên Yên, từ năm học 2014-2015 đến năm học 2021-2022, toàn huyện đã thực hiện giảm được 77 điểm trường, giảm 181 lớp.
Hay như tại huyện Ba Chẽ, từ năm 2014 đến năm 2021, toàn huyện đã sắp xếp hợp nhất 3 trường. Cụ thể là sáp nhập cấp THCS của xã Minh Cầm vào Trường Tiểu học và THCS Lương Mông, sáp nhập cấp mầm non của xã Minh Cầm vào Trường Mầm non Lương Mông, sáp nhập Trường Tiểu học Nam Sơn vào Trường PTDT Bán trú TH&THCS Nam Sơn. Toàn huyện đã rà soát, sắp xếp giảm 20 điểm trường, giảm 42 lớp. Từ việc sắp xếp giảm trường và điểm trường đã giảm được 64 biên chế giáo viên.
Có thể thấy, học sinh khi về học tại các điểm trường chính có cơ hội để ăn, nghỉ bán trú tại trường, học 2 buổi/ngày, có sự kèm cặp thường xuyên của thầy cô nên kiến thức, kĩ năng tốt hơn rất nhiều. Việc dồn ghép điểm trường lẻ, sáp nhập trường học là cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình GDPT 2018. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để ngành Giáo dục, các địa phương tập trung đầu tư nguồn lực lẫn nhân lực.
Ý kiến ()