
Điều gì xảy ra khi con bạn dùng màn hình quá nhiều
Ngày nay trẻ em được tiếp xúc sớm và quá mức với các loại màn hình từ điện thoại, máy tính bảng, tivi... khiến tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với trẻ.
Tiếp xúc quá nhiều với màn hình - thủ phạm dẫn đến béo phì
“Thời gian sử dụng màn hình quá mức đang trở thành yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến béo phì ở trẻ em hiện đại,” cảnh báo Tiến sĩ Amar Bhise, chuyên gia nhi khoa tại Bệnh viện Toàn cầu Gleneagles, Mumbai (Ấn Độ).
Theo ông Bhise, trẻ em dành nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày để xem video, chơi game thường sống lối sống ít vận động, kèm theo đó là thói quen ăn vặt không kiểm soát, đặc biệt là các loại thực phẩm giàu đường, nhiều calo.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS One, dựa trên dữ liệu của hơn 29.000 thanh thiếu niên, chỉ ra rằng nhóm trẻ sử dụng màn hình hơn một giờ mỗi ngày có nguy cơ thừa cân, béo phì cao hơn đáng kể. Cùng lúc đó, tạp chí Pediatrics cũng xác nhận mối liên hệ rõ rệt giữa việc sử dụng màn hình hơn hai giờ mỗi ngày với tỷ lệ trẻ thừa cân tăng cao.
Hệ quả không dừng lại ở chuyện cân nặng. Nếu không được kiểm soát kịp thời, béo phì ở trẻ nhỏ có thể dẫn đến các bệnh lý tim mạch, tiểu đường tuýp 2 và rối loạn tâm lý ở tuổi vị thành niên.
Chậm nói, thiếu tương tác
Không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều còn kìm hãm sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Thay vì giao tiếp trực tiếp với cha mẹ hoặc bạn bè, trẻ em dần lệ thuộc vào nội dung thụ động từ màn hình.
Một nghiên cứu của Hiệp hội Ngôn ngữ và Thính giác Nam Phi chỉ ra rằng trẻ em dành nhiều thời gian trước thiết bị điện tử có nguy cơ chậm nói và kém phát triển vốn từ. Tiến sĩ Amar Bhise nhấn mạnh: “Khi trẻ em không được kích thích bằng những tương tác trực tiếp, não bộ sẽ bị hạn chế trong việc tiếp thu và phản xạ ngôn ngữ - điều cốt lõi để xây dựng khả năng giao tiếp xã hội.”
Ngoài ra, trẻ cũng dễ gặp khó khăn trong việc hiểu các tín hiệu phi ngôn ngữ như ánh mắt, nét mặt hay ngữ điệu - những kỹ năng sống quan trọng nhưng không thể học được qua màn hình.
Để giải quyết những vấn đề trên, cha mẹ nên:
Đặt quy định rõ ràng về thời gian sử dụng thiết bị (tối đa 2 giờ/ngày theo khuyến nghị của WHO).
Thiết lập các “vùng không màn hình” như bàn ăn, phòng ngủ hay giờ sinh hoạt chung.
Khuyến khích trẻ vận động ngoài trời, tham gia thể thao, hoạt động nhóm.
Tạo điều kiện cho trẻ khám phá sở thích lành mạnh như đọc sách, vẽ, chơi nhạc cụ.
Quan trọng nhất: cha mẹ phải làm gương bằng việc hạn chế thiết bị, ưu tiên thời gian thực sự dành cho con.
Ý kiến ()