
Khi thầy giáo bản làm du lịch
Tận tâm và nhiệt tình nên dù là khi nắn nót từng nét chữ cho các em thơ hay khi làm hướng dẫn viên du lịch, phục vụ du khách, anh Hoàng Văn Sằn (42 tuổi, dân tộc Tày) đều tạo được ấn tượng tốt đẹp. Gặp gỡ và tiếp xúc với anh, chắc hẳn ai cũng yêu mến và cảm khái về sự chân thành, mến khách của người Bình Liêu.
Lần gần đây nhất, tôi gặp anh Hoàng Văn Sằn là dịp cuối tháng 3 vừa qua. Khi đó, vườn mận của gia đình anh tại xã Hoành Mô bước vào độ ra hoa đẹp nhất. Vườn mận rộng chừng 1ha, với trên 100 gốc trưởng thành. Tất cả đều do tự tay anh chăm sóc. Vào mùa, du khách tới đây nườm nượp, khoảng sân rộng của gia đình anh đậu chật kín xe. Vườn mận được gia đình anh trồng sau khi xây dựng homestay một năm, với mục đích tạo cảnh quan cho du khách tới homestay được tham quan, trải nghiệm, cho tới nay đã là 8 năm cũng là mùa đầu tiên mở cửa đón khách. Vườn mận của gia đình anh không chỉ miễn phí vé cho du khách mà còn mời các nhiếp ảnh gia tới tác nghiệp. Anh chia sẻ: “Là nhờ mọi người giúp quảng bá cho du lịch Bình Liêu...”.

Lần trước nữa có cơ hội gặp gỡ anh, Hoàng Sằn làm hướng dẫn viên đưa đoàn phóng viên chúng tôi đi khảo sát rừng đầu nguồn Ngàn Chi vào năm 2021. Vừa là hướng dẫn viên lại vừa lo công tác hậu cần, vượt đường rừng, đường núi, có những lúc phải bấu vào từng mỏm đá, trên vai là hàng chục cân đồ của đoàn mà anh Sằn vẫn bước đi phăm phăm, vừa đi anh vừa giới thiệu với cả đoàn về cánh rừng Ngàn Chi. Đến gần con thác Đỏ trong rừng, hạ đồ xuống, anh lại nhanh tay chuẩn bị bữa ăn cho đoàn. Có sức khỏe lại tháo vát, nhanh nhẹn, anh Sằn làm việc bằng hai, bằng ba người khác. Trên đường trở về, một thành viên trong đoàn bị trật khớp, anh Sằn vừa dìu vừa dắt và đưa cả đoàn về đích an toàn. Sau chuyến đi đó, ấn tượng của tôi về hướng dẫn viên Hoàng Sằn là vừa khỏe mạnh lại vừa đa năng.


Lần tiếp theo tôi gặp lại anh Sằn là tại Hạ Long. Lúc đó, anh được biệt phái công tác tại Văn phòng Du lịch (thuộc Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Bình Liêu bây giờ) với nhiệm vụ đưa đoàn nghệ nhân Then và đội bóng đá nữ Sán Chỉ của Bình Liêu tham gia biểu diễn, thi đấu tại chương trình Hội xuân Di sản năm 2021 do tỉnh tổ chức. Đó cũng là năm du lịch Bình Liêu để lại dấu ấn sâu đậm với du khách và là một trong những đơn vị tham gia năng nổ nhất.
Hoàng Sằn cho hay, anh bắt đầu bén duyên với du lịch từ năm 2012 khi anh làm tình nguyện, hướng dẫn cho các đoàn thiện nguyện tới Bình Liêu. Rồi cứ thế anh bước chân vào nghề hướng dẫn viên và làm homestay lúc nào không hay. Kỷ niệm với du lịch nhiều lắm và mỗi du khách mà anh hỗ trợ, đón tiếp sau này đều trở thành những người bạn, người anh, em thân thiết.
Làm du lịch tốt là thế, tôi cứ nghĩ rằng Hoàng Sằn sẽ gắn bó hẳn với nghề này. Nhưng không, anh đã rời Văn phòng Du lịch và trở về đứng lớp với những học trò thân yêu. Anh chia sẻ: Tôi cũng nghĩ là sẽ đi làm du lịch luôn nhưng thương học trò lắm. Nhiều cháu gia đình khó khăn, mình bỏ rồi không biết học trò có đi học đầy đủ không?. Trở về với điểm trường Đồng Thắng thuộc xã Đồng Văn, thầy Sằn lại tận tâm uốn từng nét chữ cho những học trò vỡ lòng. Không chỉ dạy chữ, thầy còn tận tình chỉ bảo cho các em những kỹ năng tự chăm sóc bản thân và rèn cho các em sự tự giác.

Bằng sự tận tâm, nhiệt tình với mỗi công việc, dù là thầy giáo hay hướng dẫn viên du lịch, anh Hoàng Sằn đều tạo được dấu ấn riêng. Anh cho biết sắp tới sẽ mở rộng quy mô vườn mận, vận động các hộ dân trong xóm cùng tham gia để tạo được cảnh quan đẹp đón du khách ghé thăm. Anh cũng là thành viên tích cực tuyên truyền tới bà con xung quanh và học trò về quy tắc ứng xử với du khách, nhận tư vấn miễn phí cho du khách về du lịch Bình Liêu. “May mắn cho tôi được sinh ra và lớn lên ở Bình Liêu. Quê hương đã cho tôi cơ hội được sống trọn với những đam mê của mình!” - anh Hoàng Sằn bày tỏ.
Ý kiến ()