
Đi bộ đúng luật
Đi bộ đúng luật – Hành động nghe có vẻ rất dễ thực hiện, ấy vậy mà chỉ cần dạo quanh một vài tuyến phố của TP Hạ Long chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Điều quan trọng là chính những người đi bộ cũng không nghĩ mình đang phạm luật và cũng đã có không ít vụ tai nạn giao thông do người đi bộ vô tình gây ra.
Sự việc xe tải đâm người đi bộ qua đường thiệt mạng xảy ra ngày 27/9, trên QL18A đoạn gần cổng Bến xe khách Bãi Cháy, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long là một ví dụ điển hình.
Ông Hoàng Văn Hữu (SN 1959, trú tại xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đi bộ qua đường thì bị xe tải BKS 14C-04284, do anh Ngô Văn Sơn (SN 1983, trú tại thị xã Quảng Yên) điều khiển, di chuyển hướng Hạ Long - Uông Bí đâm vào dẫn đến thiệt mạng. Theo lực lượng chức năng, qua điều tra, khám nghiệm hiện trường, thì nguyên nhân vụ tai nạn giao thông là do lỗi hỗn hợp của cả người đi bộ là ông Hữu và lái xe ô tô tải.
Phần lớn người đi bộ sang đường đều nghĩ mình được quyền ưu tiên nên muốn đi thế nào cũng được. Nhưng thực tế không phải như vậy, người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Và theo quy định mới nhất của pháp luật thì người đi bộ nếu vi phạm quy định về an toàn giao thông thì bị xử lý nghiêm như người điều khiển phương tiện. Ngoài việc bị phạt vi phạm hành chính thì nếu gây nên hậu quả nghiêm trọng như làm chết người và thiệt hại về tài sản trên 1 tỷ đồng thì có thể bị phạt tù 7- 15 năm.
Quy định rất rõ ràng là vậy, thế nhưng việc nắm rõ, tuân thủ luật thì ít người biết đến. Đơn cử như trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (TP Hạ Long). Từ khi thành phố cải tạo, nâng cấp, con đường được mở rộng, dải phân cách cứng giữa đường trước kia được thay thế bằng hàng cây cọ trồng xen lẫn các loài hoa rất đẹp, ấn tượng. Tuy nhiên, từ khi bỏ hàng rào phản quang bằng sắt thì vị trí nào trên con đường cũng là nơi sang đường của người đi bộ. Cánh lái xe luôn phải thận trọng khi đi trên tuyến phố Nguyễn Văn Cừ bởi bất thình lình có người từ hàng cây của dải phân cách lao sang đường. Mặc dù trên đường có cầu vượt, vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, thế nhưng người dân vẫn tiện đâu sang đó. Cũng đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra mà nguyên nhân là do tài xế giật mình, bất ngờ phát hiện có người “chui ra” từ hàng cây chạy sang đường.
Có thể nói, việc sang đường vô tội vạ là tình trạng chung không chỉ diễn ra Quảng Ninh hay TP Hạ Long, mà có trên địa bàn cả nước. Tuy chưa có thông kê chính xác về số vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân là do người đi bộ sai luật gây ra, thế nhưng chắc chắn rằng con số cũng phải lên đến hàng nghìn vụ mỗi năm. Điều này cho thấy, mỗi chúng ta khi đi bộ chỉ cần chú ý, đi đúng luật, đúng quy định thì đã góp một phần không nhỏ vào giảm thiếu số vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra, qua đó đem lại sự bình yên cho rất nhiều gia đình.
Thái Bình
Ý kiến ()