
Đến trường an toàn
Có lẽ, an toàn cho học sinh khi đến trường là một trong những mối quan tâm lớn nhất của các nhà trường nói chung, mỗi gia đình có con đi học nói riêng. Nhất là thời gian qua có nhiều vụ việc, tai nạn đau lòng xảy ra ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước liên quan đến học sinh khi đi học đã khiến mối lo này ngày càng lớn.
Hẳn mọi người còn nhớ, không khỏi day dứt về sự việc buồn xảy ra ở Trường Gateway (Hà Nội) khi một học sinh bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón đến trường. Vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân liên quan đến vụ việc rồi sẽ bị pháp luật trừng trị một cách nghiêm khắc, thích đáng. Thế nhưng, mối lo mà câu chuyện đau lòng này để lại chính là sự lo lắng, hoang mang của các bậc phụ huynh về những rủi ro trên con đường tới trường đối với học sinh.
Để những câu chuyện như ở Trường Gateway không còn xảy ra thì trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc đưa đón học sinh phải được nâng lên và thực hiện công việc bằng cái tâm thiện của mình. Đặc biệt là đội ngũ lái xe, cán bộ quản sinh luôn thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cẩn thận nhất. Cùng với đó, chất lượng các phương tiện cũng phải được quản lý, kiểm soát một cách chặt chẽ.
Từ bài học ở Trường Gateway, thời gian qua, các tỉnh, thành phố, ngành Giáo dục, trường học trên cả nước đã đồng loạt tăng cường công tác an toàn trong đưa đón học sinh. Như ở Quảng Ninh, UBND tỉnh đã có Văn bản số 5860/UBND-TG1 ngày 14/8/2019 về việc triển khai các nhiệm vụ cấp bách đảm bảo ATGT đối với xe ô tô đưa đón học sinh, kịp thời xử lý những vi phạm, phòng tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Ban ATGT Quảng Ninh đã đề nghị Sở GD&ĐT, Sở GTVT, Công an tỉnh, UBND các địa phương tổ chức xử lý kiên quyết các phương tiện, doanh nghiệp vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải.
Ngành Giáo dục Quảng Ninh chỉ đạo các cơ sở giáo dục đang hợp đồng với các chủ phương tiện sử dụng xe không có phù hiệu “xe hợp đồng” phải dừng ngay việc thực hiện hợp đồng đưa, đón học sinh. Lực lượng CSGT, thanh tra giao thông, công an các địa phương căn cứ danh sách xe không có phù hiệu thuộc địa bàn phụ trách tổ chức kiểm tra và dừng ngay hoạt động vận chuyển; tổ chức kiểm tra thường xuyên các lái xe về điều kiện tham gia kinh doanh vận tải khách. Các bên liên quan phải tăng cường trách nhiệm đảm bảo quá trình đưa đón học sinh lên, xuống xe, ra vào lớp phải tuyệt đối an toàn.
Có thể nói, mô hình đưa đón học sinh tập trung ở Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung đã mang lại những hiệu quả thiết thực bởi sự tiện lợi, an toàn, tiết kiệm thời gian, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh, giảm thiểu phương tiện cá nhân… Như ở Quảng Ninh, hiện có 35 trường triển khai mô hình này và thời gian tới mô hình tiếp tục được nhân rộng.
Nói như Giám đốc Sở GD- ĐT, để mô hình đưa đón học sinh tập trung thực sự phát huy hiệu quả thì các trường có hoạt động này cần rà soát, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, lái xe được giao nhiệm vụ; xây dựng, thực hiện nghiêm túc quy trình đưa, đón học sinh bằng xe ô tô, hậu kiểm trong quá trình đưa đón. Các khâu quản lý, kiểm tra học sinh, hướng dẫn kỹ năng an toàn; bàn giao, tiếp nhận học sinh; thiết lập kênh thông tin trao đổi trực tiếp giữa phụ huynh, nhân viên đưa đón, chủ nhiệm lớp là vô cùng quan trọng. Cùng với đó là phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định; lái xe phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, có phẩm chất, đạo đức, trách nhiệm tốt, luôn tuân thủ các quy định đảm bảo ATGT.
Có thể thấy, với sự tiện ích về nhiều mặt, việc tổ chức đưa đón học sinh bằng phương tiện tập trung đang được nhiều địa phương, ngành Giáo dục khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên, để con đường đến trường của học sinh được an toàn thì mỗi cơ sở giáo dục cần phải xây dựng một quy trình hoạt động chặt chẽ và thực hiện một cách nghiêm túc, trách nhiệm.
Thái Bình
Ý kiến ()