
Đề xuất liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh khi bỏ cấp huyện
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.
Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5.2025, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thảo luận dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Đây là một trong những dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm đội ngũ cán bộ, công chức
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm trong dự thảo Luật là quy định liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.
Mới đây, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Ngoài nội dung thống nhất một chế độ công vụ, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức. Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ.
Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết, dự thảo luật cơ bản kế thừa phạm vi điều chỉnh Luật hiện hành và bổ sung quy đinh làm rõ về đối tượng điều chỉnh là cán bộ, công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính tri - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh và cấp xã; không tiếp tục quy định đối với cán bộ, công chức cấp huyện.
Trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành việc sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.

Theo đại biểu Hòa, việc thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã, trong đó có liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là điều rất cần thiết. Đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là yêu cầu mang tính chiến lược nhằm xây dựng bộ máy hành chính thống nhất, liên thông, tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả.
"Việc thống nhất chế độ công vụ sẽ tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích người tài từ cơ sở vươn lên bằng thực lực; đồng thời giúp phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực ở cấp xã - nơi trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan tới đời sống của người dân" - đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Cùng trao đổi, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, các quy định của dự thảo Luật đã bám sát chủ trương về tinh gọn bộ máy khi thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, liên thông trong công tác cán bộ, thống nhất một chế độ công vụ từ trung ương đến cấp xã. Đây là điều cán bộ, công chức rất mong đợi.
Điều 2 dự thảo luật quy định:
1. Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng theo vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Ý kiến ()