Tháng 9, bầu trời mùa thu xanh ngắt với những con gió hanh hao. Ở Bình Liêu, mùa thu là mùa những vạt dong riềng nở hoa đỏ dọc đường đi; là mùa thu hoạch hồi - mùa của ấm no; là mùa trẻ em đến trường... Cũng như bao trẻ em khác, học sinh ở điểm trường Sông Moóc B - một trong những điểm trường khó khăn thuộc Trường Tiểu học Đồng Văn, xã Đồng Văn, cũng ngày ngày vượt qua những con suối, men theo lối mòn ven rừng để đến trường.
Ở độ cao trên 1.000m, thôn Sông Moóc B trải dài theo sườn dãy núi Phiêng Chè - Cao Ba Lanh, thuộc xã Đồng Văn, nằm ở phía Bắc của Bình Liêu, sát biên giới Trung Quốc. Do vậy, nơi thấp nhất của bản chỉ cao hơn mực nước biển khoảng 300m, nhưng nơi cao nhất lại hơn mực nước biển trên 700m, tạo cho Sông Moóc B khung cảnh nên thơ, đẹp mắt. Tuy nhiên, ngày mưa bão về, nước sông lên cao, dòng nước đục ngầu, hung dữ, cuồn cuộn chảy qua ngầm tràn làm thầy cô không qua được sông; trẻ em vì thế cũng không được đến trường...
Mặt trời vừa khuất sau núi, tạm gác những công việc nhà còn dang dở, cô giáo Hoàng Thị Tuyết và thầy giáo Loan Thanh Tào, ở điểm trường Sông Moóc B lại bắt đầu hành trình đi vận động học sinh trở lại lớp sau đợt mưa bão. Thầy Tào bảo: “Phải chọn đi giờ này vì bố mẹ học sinh mới có nhà, mới có thể gặp gỡ, trò chuyện và động viên họ cho con ra lớp”.
Sau 9km di chuyển bằng xe máy, chúng tôi phải gửi xe lại ngôi nhà ven đường, tiếp tục đi bộ. Con đường hằng ngày các em vẫn đến trường tính từ quả đồi này sang quả đồi khác với những đoạn dốc trơn trượt, hai bên um tùm cây dại. Có đoạn, đường bị xẻ ngang bởi khe nước chảy xối xả ngập đến đầu gối, chúng tôi phải xắn cao ống quần để lội qua.
Trước mặt chúng tôi là ngôi nhà đất, bên trong tối mờ mờ. Đây là nhà của Dường Phúc Sểnh, lớp 3 và Dường Phúc Lềnh, lớp 1. Ngôi nhà nhỏ bé chỉ có 3 chiếc giường đặt ở 3 góc nhà, chăng đầy quần áo, chăn màn. Bếp củi được đặt sâu phía trong, mù mịt khói... Gia đình của Sểnh và Lềnh thuộc hộ nghèo, cuộc sống dựa vào mảnh ruộng cách nhà cả tiếng đồng hồ đi bộ. Vào mùa hồi, mùa quế hay thu hoạch keo, bố mẹ Sểnh đi làm thuê kiếm thêm tiền nuôi con ăn học.
Góc học tập của Sểnh và Lềnh là chiếc bàn gỗ rộng chừng 1m, bừa bộn sách vở, bút thước. Cô giáo Tuyết vừa nhắc nhở, vừa hướng dẫn hai anh em dọn dẹp. Chỉ trong chốc lát, bàn học đã gọn gàng, tinh tươm. Sểnh lấy sách đọc chữ, hai bàn tay em đặt ngay ngắn trên bàn. Em đọc khá tốt, từng chữ rõ ràng, rành mạch. Em còn biết dạy chữ cho em trai. Giọng cậu bé như xua tan sự ngột ngạt trong căn nhà đất, mang đến một hi vọng về tương lai tươi sáng hơn. Sểnh bảo với tôi: “Con thích làm cảnh sát để bắt người xấu, nên con muốn đi học lắm. Ngày mai dù trời có mưa con vẫn dắt em đi”. Trong trí tưởng tượng của Sểnh, ước mơ có lẽ là những gam màu đẹp đẽ nhất, rực rỡ nhất giúp em vô tư và cố gắng vươn lên.
Sau gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ, điểm dừng tiếp theo của chúng tôi là ngôi nhà của 2 chị em Dường Thị Nga, lớp 2 và Dường Thị Linh, lớp 1. Đây cũng là một trong những gia đình ở xa nhất so với điểm trường. Cô giáo Tuyết kể: “Gia đình Nga, Linh có tư tưởng “tiến bộ” trong bản này. Nghĩa là phụ huynh rất quan tâm đến việc học của các con, dành thời gian để trao đổi với cô giáo, chuẩn bị đồ dùng, sách vở đầy đủ cho con đến trường. Gia đình mong muốn hai em học lên cao, học cho “tương lai của bố mẹ”.
Anh Dường Cắm Lỷ, bố của Nga, Linh chia sẻ: “Tôi không được đi học, nói ra thì ngại, xấu hổ lắm. Gia đình mới chỉ vừa thoát nghèo thôi, vẫn còn khó. Nhưng tụi trẻ thích đi học, học được đến đâu bố mẹ sẽ cố gắng lo cho đến đấy”. Nói rồi, anh vội nhìn đi chỗ khác, mắt như có nước. Dường như cái nghèo khiến người đàn ông này không đủ mạnh mẽ để đối mặt với thầy cô, mà gửi trọn nỗi niềm và hi vọng cho hai cô con gái. Khác với chồng, chị Tằng Nhì Múi, đã học hết lớp 6, nói tiếng Kinh sõi, nhưng phụ nữ Dao vẫn giữ trong mình sự rụt rè khi tiếp xúc với người lạ. Trong khi gia đình nói chuyện, chị dạy bé Linh học chữ và hướng dẫn Nga làm toán.
Khi chúng tôi trở về, trăng đã lên quá đỉnh đầu, những ngọn đồi như được phủ một lớp bạc; thỉnh thoảng được điểm xuyết thêm thứ ánh sáng vàng vọt, yếu ớt hắt ra từ những ngôi nhà nằm cheo leo trên lưng núi. Trời nhiều sao, ngày mai chắc sẽ nắng, thầy cô giáo và học sinh đến trường cũng bớt vất vả hơn.
7 giờ sáng, điểm trường Sông Moóc B đã rộn rã tiếng cười nói của học sinh. Đây là ngôi trường được xây dựng từ Dự án Tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ GD-ĐT. Cả khu có 3 phòng học cho các lớp 1, 2, 3 và 1 phòng cho thầy cô. Bàn gỗ, bảng đều được trang bị đầy đủ.
Tuy nhiên, phía trước sân vẫn đầy cỏ dại, chỗ cao, chỗ thấp, mấy đứa trẻ nô chạy, ngã dúi dụi. Khoảng sân nhỏ nằm sát ngay vách đồi thẳng đứng. Mấy cây dẩu trở thành nơi vui chơi ưa thích của học sinh. Giờ ra chơi, tranh thủ lúc thầy, cô không để ý, các em lại chạy gốc cây đu nhảy. Cô giáo Hoàng Thị Tuyết chia sẻ: “Vách đồi cheo leo thế này rất nguy hiểm. Giá mà trường có kinh phí, đổ bê tông sân và làm tường rào cho bọn trẻ vui chơi an toàn hơn thì tốt biết mấy. Nhiều khi thầy, cô bận chấm bài hay hướng dẫn cho các con học yếu, không để ý, các em hiếu động đã ngồi vắt vẻo trên cây”.
Ở điểm trường này, có 3 thầy cô và 33 học sinh. Các thầy cô chăm sóc, coi học sinh như con. Học sinh vùng cao, đứa nào cũng đen nhẻm. Hành trang đến trường ngoài sách vở còn có một chai đựng cháo trắng để ăn giữa giờ cho khỏi đói. Những chai cháo trắng như tiếp thêm sức lực cho các em vượt rừng, vượt suối đến trường. Nhờ các chính sách khuyến học và sự tận tâm của thầy cô cũng như tư tưởng tiến bộ của các phụ huynh, trẻ em trong bản đều được đến trường. Nhưng cứ đến mùa đông, cả thầy và trò lại canh cánh nỗi lo giá rét vùng cao khiến đường đến trường của các con khó khăn hơn.
Tôi nhớ, trong những chuyến công tác về Bình Liêu vào mùa đông, khí lạnh căm căm khiến người lớn phải co ro, chân tay tê cứng. Nhất là vào buổi sáng sớm, sương muối vẫn còn, mỗi lần hít thở là thấy băng giá như tràn vào ngực, khó chịu vô cùng. Thầy giáo Loan Thanh Tào đã hơn 20 năm gắn bó với điểm trường Sông Moóc B. Thầy bảo: “Phần lớn các hộ dân ở đây vẫn là hộ nghèo nên không có điều kiện sắm quần áo ấm cho các con. Con nào may mắn thì có áo đồng phục cũ của anh chị rộng thùng thình, không thì mặc mấy lớp áo sơ mi cũ, làm sao tránh được giá lạnh mùa đông miền núi. Có những con còn không có giầy, chỉ đi đôi tất mỏng rồi xỏ dép tổ ong đã mòn vẹt, nhìn thương lắm! Vì giá lạnh, nhiều khi giờ vào lớp phải tính theo thời điểm sương tan, đến quá trưa mới kết thúc để các con không bị chậm kiến thức”.
Trong hành trình đến bản Sông Moóc B, ngoài thầy cô giáo, chúng tôi còn gặp và trò chuyện cùng Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tằng Dẩu Phùng. Qua câu chuyện anh kể, chúng tôi càng hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình các em; về cuộc sống và con người nơi đây. Cả thôn Sông Moóc B có hơn 300 nhân khẩu; 63/77 hộ là hộ nghèo. Mặc dù thuộc xã vùng biên, nhưng thôn Sông Moóc B lại nằm chênh vênh trên núi, từ trung tâm xã lên đến thôn mất hơn 10km, chưa kể các hộ dân nằm rải rác, không có đường bê tông, phải mất thêm 1-2 tiếng đi bộ mới tới nơi. Ở đây, chỉ có những ngôi nhà vách đất, mái lợp lá hoặc khá hơn thì có mái ngói. Trong nhà, món đồ quý nhất có khi là chiếc xe máy nhưng cũng dựng ở ven rừng, vì đường đi khó, không mang được về nhà. Kinh tế của người dân vẫn phụ thuộc vào vài ha trồng lúa, ngô, khoai hoặc sắn. Nhà nào có chút điều kiện thì trồng thêm vài ha rừng quế, hồi. Tuy vậy, giá các loại lâm sản này chẳng được là bao, vì đường đi lại ở đây khó khăn, thương lái không đến thu mua được. Lo miếng ăn còn khó, nói gì đến quần áo, giày dép cho con. Người dân quanh quẩn trong thôn, cái nghèo, cái khó cứ bám lấy từ đời này sang đời khác.
Tháng 6/2017, huyện Bình Liêu đầu tư con đường dài hơn 4km, nối trung tâm xã với thôn. Bí thư Chi bộ Tằng Dẩu Phùng nói đầy hi vọng: “Thôn Sông Moóc B nằm cạnh con sông Moóc - một trong những địa điểm du lịch độc đáo và ấn tượng của Đồng Văn. Nếu có chương trình hướng dẫn người dân làm du lịch như những nơi khác đang làm, biết đâu cuộc sống người dân nơi đây sẽ đổi khác”.
Sau một ngày ở thôn Sông Moóc B, chúng tôi trở về khi trời đã xẩm tối. Chiếc xe đưa chúng tôi mỗi lúc một xa, những ruộng bậc thang lúa xanh ngắt đang đổ đòng khuất dần sau lưng, tiếng suối từ trong vách núi chỉ còn vang lại rất nhẹ. Khí lạnh từ trên núi tràn xuống. Trên đường về, tôi vẫn khắc khoải hình ảnh những đứa trẻ vô tư nô đùa trên sân trường. Liệu rằng, khi mùa đông đến, giữa cái giá lạnh vùng cao, chúng có còn vô tư được như vậy. Tôi mong những chương trình từ thiện, những vòng tay yêu thương sẽ mang đến cho các em thật nhiều tấm áo ấm, đồng hành cùng các em đến trường, để những ước mơ trẻ thơ không dang dở...
Bài, ảnh: Hoàng Quỳnh
Trình bày: Hải Anh
Ý kiến ()