Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ĐBQH tỉnh Quảng Ninh chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Y tế
Ngày 11/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Ngân hàng; Y tế.
Tham gia chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, các đại biểu Quốc hội tập trung quan tâm đến các vấn đề: Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai.
Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ những giải pháp cho các cá nhân, tổ chức tiếp tục vay vốn sau thiệt hại bởi thiên tai mà không còn tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm giải pháp để đảm bảo cân bằng giữa yêu cầu về kiểm soát nợ xấu và việc tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn mà không có tài sản bảo đảm, và về nội dung này Ngân hàng Nhà nước có đề xuất giải pháp gì với Quốc hội và Chính phủ hay không?
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Kim Nhung về giải pháp cân bằng giữa việc cho vay đối với khách hàng không có tài sản đảm bảo do chịu tác động của bão lũ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, khi cơn bão xảy ra, ngành ngân hàng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động. Trên thực tế, có 35 tổ chức tín dụng (TCTD) đã đăng ký các gói tín dụng với tổng giá trị là 405.000 tỷ đồng để cho vay mới và hạ lãi suất, trong đó dành khoảng 300.000 tỷ đồng để cho vay mới. Còn việc TCTD cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ khi không còn tài sản đảm bảo hoàn toàn thuộc quyền quyết định của các TCTD. Trên cơ sở TCTD làm việc với khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin. Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mong muốn UBND các cấp phối hợp chặt chẽ để kết nối giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người dân để có thêm thông tin cho các TCTD quyết định trong các trường hợp này.
Đối với trường hợp cho vay đối với khách hàng sản xuất, kinh doanh có rủi ro về nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các TCTD bằng các biện pháp sẽ xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc các TCTD đưa ra các gói hỗ trợ cho thấy hệ thống ngân hàng sẵn sàng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân sau đợt bão lũ vừa qua.
Chất vấn liên quan đến lĩnh vực Y tế, các đại biểu đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan làm rõ các vấn đề: Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường..
Tham gia chất vấn, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, Công điện số 47 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của thuốc lá điện tử. Cụ thể, nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết khi nào sẽ thực hiện nhiệm vụ này? Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội, Điều 12 có quy định trường hợp thuốc lá mới được phép nhập khẩu, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định thì các sản phẩm thuốc lá mới sẽ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về quy định này?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đã tham gia vào công ước khung phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh giảm thiểu tác hại của thuốc lá thông thường, với những hình thức xuất hiện mới của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngành y tế cũng đã có rất nhiều giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Y tế phối hợp với ngành giáo dục, các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông và phòng chống tác hại thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bộ trưởng cho biết, qua lấy ý kiến của các bộ, ngành đa phần rất ủng hộ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế đã tổ chức đánh giá tác động làm căn cứ khoa học; đã tổ chức công bố tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử ra công chúng. Các giải pháp này là những giải pháp mang tính chất căn cơ để cung cấp các bằng chứng, căn cứ pháp lý để Chính phủ quyết định các giải pháp phòng chống tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.
Liên quan đến triển khai nội dung Công điện 47 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế đã hoàn thành báo cáo trình Chính phủ cho ý kiến, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và ban hành nghị quyết. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trình tại Kỳ họp thứ 8 đã đề xuất đến nội dung tính thuế đối với thuốc lá mới trong phần tổ chức thực hiện, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã có ba văn bản gửi Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bởi trên cơ sở đánh giá của Hội Khoa học kinh tế y tế, nếu thu được một đồng thuế liên quan tới các loại thuế này, chúng ta phải mất 5 đồng để giải quyết các vấn đề liên quan tới sức khỏe của người dân, chưa kể các hệ lụy gây ra đối với sức khỏe tinh thần, thể chất của người dân.
Ý kiến ()