Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến vào một số chủ trương đầu tư quan trọng của đất nước
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 13/11, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tổ về: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho rằng cần phải đánh giá lại thực trạng nhà ở thương mại hiện nay tại tất cả các địa phương. Hiện tại, các dự án, công trình, nhà ở thương mại chưa được lấp đầy, bỏ trống, bỏ không, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý vẫn còn rất nhiều, do cung cầu của thị trường nhà ở thương mại hiện cũng tùy thuộc vào từng địa phương khác nhau.
Đại biểu cho biết, hiện nay Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vừa mới ban hành và bắt đầu có hiệu lực, trong đó cũng đã có những quy định rất cụ thể về vấn đề thực hiện dự án nhà ở thương mại và thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc là quyền sử dụng đất. Do đó, cần phải có thời gian để các luật này đi vào thực tiễn triển khai. Bên cạnh đó, hiện nay thời gian các dự án nhà ở thương mại, nhất là tại các thành phố lớn, các phân khúc bất động sản cao cấp đã và đang triển khai nhiều, tuy nhiên tình trạng các dự án dở dang, dự án chưa hoàn thiện và nhiều dự án nhà ở thương mại tại một số địa phương phát triển chưa đúng về nhu cầu nhà ở. Do đó, việc thực hiện nghị quyết thí điểm ở giai đoạn này kéo theo nhiều nguy cơ như: việc hình thành các tổ chức, cá nhân, các tổ chức kinh doanh bất động sản lợi dụng việc mua bán rồi chuyển nhượng, thu gom, thu gộp đất, không sử dụng đất hiệu quả; trục lợi... Vì vậy, cần thiết phải có các chế tài để kiểm soát cụ thể, tránh lãng phí nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác.
Mặt khác, hiện nay từ các dự án còn đang vướng mắc chưa giải quyết được hết hoặc các dự án nhà ở còn chưa lấp đầy, cũng cần phải xem xét thực tế hiện trạng để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập. Theo đại biểu, đối với các dự án tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp… cần quan tâm ưu tiên hơn so với việc thực hiện dự án nhà thương mại.
Bổ sung nội dung này, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần hết sức cân nhắc việc áp dụng thí điểm nhà ở thương mại trên phạm vi toàn quốc. Đại biểu cho rằng cũng có những địa phương chưa thực sự có nhu cầu lớn về nhà ở thương mại. Do đó, chỉ nên áp dụng đối với một số địa phương thực sự có nhu cầu để đánh giá tác động của chính sách từ đó, nhân rộng trong toàn quốc.
Về điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại cũng cần rà soát lại để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với các chủ trương khác; bổ sung thêm điều kiện đối với các loại đất như: đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất quốc phòng, đất an ninh và đất tôn giáo… để nhằm bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo đảm các điều kiện chống biến đổi khí hậu cũng như là các nhu cầu khác.
Liên quan đến Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết, đến nay hai địa phương liên quan đến thu hồi đất để thực hiện đầu tư dự án nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, đều chưa phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh. Do đó, thì sẽ liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch thu hồi các loại đất để sử dụng cho đầu tư dự án. Đại biểu đề nghị, quan tâm đến việc bảo đảm tính phù hợp giữa các quy hoạch với quy hoạch phát triển dự án này để bảo đảm được tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và đầu tư dự án, cũng như bảo đảm được yêu cầu đầu tư công.
Về lựa chọn phương án đầu tư đường sắt với thiết kế đầu máy có vận tốc 350 km/h cần đánh giá việc phù hợp với điều kiện nguồn lực và nhu cầu dài hạn cũng như tương đồng với các dự án đường sắt tốc độ cao trên thế giới và một số nước đã đầu tư.
Cùng tham gia góp ý vào Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng cần quan tâm sâu sắc và lên phương án cụ thể đối với việc giải ngân vốn đầu tư công khi triển khai dự án. Qua đó, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng cũng như đảm bảo nguồn vốn để thực hiện tính khả thi của dự án. Bên cạnh đó, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến để đạt được sự đồng thuận của nhân dân, của xã hội đối với triển khai dự án, thì yêu cầu về công nghệ, nhà thầu thi công cũng cần được xem xét và thông tin rộng rãi.
Ý kiến ()