Đẩy mạnh tiêu dùng số
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội và tác động của Cuộc cách mạng 4.0, tiêu dùng số đang là xu thế tất yếu của các hoạt động thương mại. Do vậy, thích ứng cùng tiêu dùng số vừa là đòi hỏi khách quan, vừa là cơ hội đối với các doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt, đối với tỉnh Quảng Ninh, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh.
Cụ thể, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân qua kênh điện thoại di động về số lượng giao dịch đạt 60-80%, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 50%... Để đạt mục tiêu này, hiện tỉnh đang đẩy mạnh số hóa trong các lĩnh vực. Trong đó đặc biệt đẩy mạnh tiêu dùng số trong thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân hoặc thanh toán trực tuyến nhiều loại phí như tiền điện, điện thoại, internet, nước, bảo hiểm…
Chị Nguyễn Thị Vy, phường Hồng Hải (TP Hạ Long), cho biết: Khoảng 2 năm gần đây, tôi thường xuyên thanh toán trực tuyến tiền điện, nước, điện thoại, internet; đi siêu thị, mua sắm thì quẹt thẻ. Càng ngày tôi càng thấy tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Chỉ cần ngồi ở nhà, tôi vẫn dễ dàng mua được hàng hóa, dịch vụ thông qua vài cú chạm trên di động hoặc nhấp chuột máy tính. Gần đây, tôi còn chuyển dần sang kênh ngân hàng điện tử. Không chỉ thanh toán các loại hóa đơn, chuyển tiền mà gửi tiết kiệm, đáo hạn, tôi cũng thực hiện online.
Từ những thay đổi trong cách tiêu dùng của người dân, không chỉ các cơ sở kinh doanh hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, mà ngay cả các chợ truyền thống, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cũng dần phổ biến. Những bảng quét mã QR tại các cửa hàng đã trở nên quen thuộc với người mua và người bán. Bà Phạm Thị Yến, tiểu thương chợ Hạ Long 1, cho biết: Cách đây vài tháng, tôi dùng mã QR để giao dịch thanh toán, khách hàng đến mua rất thuận tiện, chỉ cần quét mã là thanh toán xong. Thế nên, hằng ngày tôi không cần phải mang nhiều tiền lẻ để trả lại cho khách.
Nắm được xu hướng tiêu dùng số của khách hàng, các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp đã sử dụng các app bán hàng online để có thể tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng không giới hạn vị trí địa lý. Để khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank Chi nhánh Quảng Ninh đã thực hiện chương trình miễn phí chuyển tiền trong nước qua các kênh giao dịch tại quầy, dịch vụ ngân hàng điện tử, phát hành thẻ ATM miễn phí cho khách hàng… Đặc biệt, thực hiện các kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh về chuyển đổi số, từ tháng 4/2022, các chi nhánh loại II trực thuộc ngân hàng đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai phủ sóng đặt mã thanh toán VietQR tại các hộ kinh doanh. Đến hết tháng 5/2022, Agribank chi nhánh Quảng Ninh đã triển khai thành công gần 300 điểm đặt mã thanh toán VietQR của Agribank trên địa bàn TP Hạ Long. Trong tháng 6 vừa qua, ngân hàng cũng đã bắt đầu triển khai đặt mã thanh toán VietQR tại Trung tâm Hành chính công tỉnh; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh mở tài khoản công đoàn cho khách hàng tổ chức để cấp trả kinh phí công đoàn vào tài khoản.
Hiện toàn tỉnh cũng đã thiết lập được 1.020 điểm thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ khoảng 1.000 hộ tiểu thương đã có tài khoản thanh toán điện tử. Đến nay, 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính công; 100% các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, đã có 65,77% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, 22,89% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp huyện; 85,75% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện, đạt 97,2%; 77,7% doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước, đạt 87,44%; 98,4% số thu NSNN (thuế, phí, lệ phí)…
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh hiện có 2,46 triệu tài khoản thanh toán điện tử (tăng 0,43 triệu tài khoản so với 31/12/2021), trong đó có trên 1,6 triệu tài khoản đang hoạt động. Tỷ lệ tài khoản thanh toán điện tử/tổng tài khoản thanh toán đang hoạt động đạt 65,1%. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 35,3%. Bình quân khoảng 1,6 tài khoản đang hoạt động/1 người dân trưởng thành. Thuê bao cài đặt và sử dụng Mobile Money là 317.135 thuê bao (trong đó Viettel Quảng Ninh có 260.000 thuê bao, VNPT có 57.135 thuê bao).
Có thể nói, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã có nhiều chuyển biến tích cực tại Quảng Ninh, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả đề án của Chính phủ, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường kết nối liên thông giữa các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng dịch vụ; phát triển hạ tầng, dịch vụ thanh toán, đẩy mạnh chuyển đổi số; triển khai dịch vụ Mobile Money tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán…
Ý kiến ()