
Dấu ấn 3 sẵn sàng và 3 đảm đang ở Vùng mỏ anh hùng
Trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vùng mỏ Quảng Ninh đã ghi đậm dấu ấn với hai phong trào thi đua sôi nổi: “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ và “Ba đảm đang” của phụ nữ. Không chỉ góp phần giữ vững nhịp sản xuất, những phong trào này còn tiếp thêm lửa cho tiền tuyến, khẳng định vai trò tiên phong của vùng đất công nhân anh hùng.
"Ba sẵn sàng" - Lửa từ Vùng mỏ
Năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng. Để chuẩn bị tinh thần cho tuổi trẻ và nhân dân trước cuộc chiến tranh, ngày 19/5/1964, tỉnh đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng". Từ đối tượng ban đầu là thanh niên công nhân, phong trào đã lan rộng ra tuổi trẻ toàn tỉnh. “Ba sẵn sàng” là: “Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”.
Ngày 5/8/1964, chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất bắt đầu. Giặc Mỹ điên cuồng bắn phá Vùng mỏ, nhưng thanh niên Quảng Ninh đã được rèn luyện, sẵn sàng đối mặt. Toàn tỉnh anh dũng chiến đấu, bắn rơi 3 máy bay Mỹ và bắt sống giặc lái đầu tiên trên miền Bắc. Những tấm gương anh hùng như Lê Sỹ Hằng, dù bị thương gãy chân vẫn buộc chân vào thành pháo để tiếp tục chiến đấu, hay Đồng Quốc Bình, bị thương lòi ruột vẫn bình tĩnh nhét ruột vào, tiếp tục cầm chắc tay súng... làm sáng ngời tinh thần "Ba sẵn sàng". Cả một thế hệ thanh niên Vùng mỏ không ngần ngại xung phong ra trận, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Hưởng ứng “Lệnh động viên cục bộ” của Nhà nước ta và lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/7/1966, có gia đình đã có 4 con đang chiến đấu ở chiến trường vẫn làm đơn xin cho con trai thứ 5 lên đường nhập ngũ. Nhiều sỹ quan quân đội phục viên chuyển ngành làm đơn tái ngũ, nhiều chiến sỹ công an đã tình nguyện vào Nam tăng cường cho lực lượng an ninh miền Nam. Nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc đang công tác ở Quảng Ninh xung phong trở về miền Nam chiến đấu. Ngày 22/7/1966, 3.000 dân quân tự vệ huyện Yên Hưng (phần lớn là thanh niên) mít tinh vũ trang giương cao khẩu hiệu; “Quyết tâm thực hiện lời kêu gọi ngày 17/7/1966 của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc và nhân dân cần đến. Thị xã Hòn Gai có 3.214 thanh niên xin tái ngũ, nhập ngũ, 1.293 thanh niên tham gia đội xung kích.
Ngày 30 tháng 7 năm 1967, tại cửa rạp chiếu phim Bạch Đằng, thị xã Hòn Gai, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức lễ tuyên bố thành lập “Binh đoàn than", tiễn đưa những người con ưu tú của đất mỏ lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Từ năm 1965-1968, năm nào tỉnh Quảng Ninh cũng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao quân (từ 2% trở lên). Đặc biệt, đến giữa tháng 3/1975, toàn tỉnh vượt chỉ tiêu 16% và là một trong hai tỉnh hoàn thành xuất sắc nhất việc tuyển quân chi viện cho chiến trường được Quân khu và Chính phủ biểu dương. Những việc làm đó thể hiện tình cảm vô bờ bến của Đảng bộ và quân dân Quảng Ninh đối với đồng bào miền Nam ruột thịt và đồng bào chiến sỹ cả nước.

Các đội thanh niên xung phong, thanh niên xung kích, thanh niên cờ đỏ lần lượt ra đời nhằm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, khắc phục hậu quả chiến tranh. Tuổi trẻ Quảng Ninh sôi sục khí thế với các khẩu hiệu: “Tay búa - Tay súng”; “Tay cày - Tay súng”, “Tay bút - Tay súng”… Hàng trăm thanh niên tiêu biểu vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu tốt được Tỉnh Đoàn tuyên dương.
Trong sản xuất, bằng trí thông minh, sáng tạo của mình, kỹ thuật khoan của đồng chí Vũ Hữu Sơn, mỏ than Đèo Nai đã chinh phục lòng đất ở cả những nơi đất đá rắn nhất. Hay tổ đào lò của anh Đào Xuân Ngọc, mỏ hầm lò Thống Nhất, tổ máng ngoài của Công ty sàng tuyển than Cửa Ông, nhờ có sáng kiến kỹ thuật đã không ngừng nâng cao năng suất, vừa tham gia trực chiến, bắn máy bay Mỹ. Đầu năm 1965, Bác Hồ về thăm Quảng Ninh và dự mít-tinh tại sân Trường Cấp 3 Hòn Gai, Bác đã biểu dương 2 tổ sản xuất lá cờ đầu của phong trào thanh niên là Vũ Hữu Sơn và Đào Xuân Ngọc. Sau này, Vũ Hữu Sơn được phong tặng Anh hùng Lao động.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến chiến dịch than “Điện Biên Phủ” với mục tiêu 3,2 triệu tấn than; chiến dịch than “Vì miền Nam ruột thịt” với mục tiêu 4,3 triệu tấn than… Các chiến dịch này đều được hoàn thành xuất sắc trong điều kiện chiến tranh gian khổ. Ngoài ra, Đoàn còn phát động rộng rãi phong trào thanh niên phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất. Từ phong trào này đã có hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm của thanh niên ở các hầm lò, nhà máy, công trường và cán bộ KHKT trẻ được đi báo cáo điển hình.
Trong những năm tháng ấy, một thành tích của tuổi trẻ Quảng Ninh không thể không nhắc đến, đó là “công trình thanh niên” phục hồi nhà máy sàng tuyển than Cửa Ông. Ngày 10/4/1966, giặc Mỹ ném bom, nhà máy sàng Cửa Ông bị hỏng nặng, sản xuất bị tê liệt. Trước tình hình đó, Đảng uỷ Tổng Công ty Than giao cho Đoàn thanh niên Tổng Công ty đảm nhận công trình. Ban chấp hành Đoàn Tổng Công ty bàn bạc thống nhất huy động những ĐVTN các nhà máy, phân xưởng cơ khí có tay nghề cao trong toàn ngành than, từ Mạo Khê, Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả… về sửa chữa, coi đó là “Công trình thanh niên” phải hoàn thành trước ngày 19/5/1966 để chúc mừng sinh nhật Bác. Dù chiến tranh ác liệt, anh em vẫn tích cực làm ngày làm đêm, vận dụng hết trí tuệ, sức lực, nhiệt huyết để hoàn thành công việc trước tiến độ…
Ngày 10/5/1972, cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ bắt đầu ở Quảng Ninh. Chúng đánh huỷ diệt thị xã Hòn Gai và vùng công nghiệp Quảng Ninh, trong khi đó lực lượng của ta chủ yếu đều đã chi viện cho chiến trường miền Nam. Lực lượng còn lại ở Vùng mỏ rất mỏng. Sẵn có những cựu chiến binh đã từng chiến đấu thời kỳ chống Pháp làm chỉ huy, Đoàn đã vận động ĐVTN xung phong gia nhập các đơn vị pháo cao xạ của Vùng mỏ. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đơn vị pháo cao xạ của Vùng mỏ mà có trên 80% là ĐVTN đã ra đời, đặc biệt như đơn vị của đồng chí Đặng Bá Hát - Xí nghiệp bến Hòn Gai, có tới gần 100% là ĐVTN. Các đơn vị tự vệ trực chiến, các đơn vị pháo cao xạ cùng các đơn vị TNXP, Thanh niên xung kích đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực, thậm chí có lúc thay thế đơn vị chủ lực góp phần tích cực cùng quân dân toàn tỉnh bắn rơi 200 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ vùng mỏ an toàn. Thật tự hào khi tổng kết phong trào “Ba sẵn sàng”, Thanh niên Quảng Ninh đã được Trung ương Đoàn trao tặng cờ luân lưu xuất sắc nhất của Bác Hồ.
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi được trò chuyện với ông Đồng Duy Hùng (sinh năm 1947, trú tại phường Hòn Gai, TP Hạ Long), người đã từng trải qua khí thế sục sôi của thời kỳ “Ba sẵn sàng”. Ông Hùng xúc động chia sẻ: Thanh niên Hòn Gai cũng như toàn tỉnh Quảng Ninh ngày ấy ai cũng khao khát được tham gia “Ba sẵn sàng”. Mùa hè năm 1965, lúc đó tôi đang là học sinh lớp 9 trường phổ thông cấp 2- 3 Hòn Gai, đã tham gia cuộc vận động “Thanh niên 3 sẵn sàng đi lao động công ích” tại Lâm trường Ngã 2 - Cẩm Phả. Lần đó cả tập thể lớp chúng tôi đi trong vòng 1 tháng, nhưng tinh thần ai cũng rất vui, phấn khởi. Xuất thân là những cô bé, cậu bé sống giữa phố thị, nhưng cũng không nề hà, quản lại khó khăn khi vào lâm trường làm các công việc vất vả của những người công nhân như tu bổ rừng, chăm sóc cây… Hăng say lao động cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

“Thời kỳ lúc ấy vô cùng khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng sức trẻ thì chẳng hề ngại ngần, thanh niên chúng tôi vẫn yêu đời lắm, những buổi sinh hoạt tập thể, ngồi hát cùng nhau những bài hát khơi dậy lòng yêu quê hương, Tổ quốc quên cả đói, quên cả khát, cùng chung một niềm tin ngày đất nước được hòa bình, độc lập” - ông Hùng hồi tưởng.
61 năm từ khi phong trào “Ba sẵn sàng” được phát động, lời thề ấy đã đi vào lịch sử như một minh chứng hào hùng, mãnh liệt cho nhiệt huyết cách mạng, tinh thần hy sinh, cống hiến tình nguyện, vô điều kiện vì nhân dân, vì Vùng mỏ thân yêu, vì Tổ quốc của tuổi trẻ Quảng Ninh và của cả thanh niên Việt Nam.
Tự hào “Ba đảm đang” Quảng Ninh
Trong không khí sục sôi thi đua chống Mỹ cứu nước, Phong trào “Ba đảm đang” trở thành phong trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp trong phụ nữ toàn Quảng Ninh. Phong trào đã đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến: bảo vệ miền bắc XHCN, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của phụ nữ Việt Nam. Rèn luyện vươn lên "Ba đảm đảng", người phụ nữ không những phục vụ đắc lực cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, mà còn nâng cao vị thế của mình trong gia đình, xã hội. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp nguyện vọng, khả năng chị em, nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Trong phong trào, xuất hiện nhiều phụ nữ điển hình, tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa. Trên các công trường, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, chị em tích cực tham gia phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Giỏi một nghề, biết nhiều nghề”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động. Phụ nữ tiểu thủ công nghiệp tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp, lao động đảm bảo ngày công và chất lượng sản phẩm.

Thực hiện “tay búa, tay súng”, “tay cày, tay súng”, phụ nữ Quảng Ninh tham gia đông đảo vào lực lượng dân quân và tự vệ chiến đấu, đóng góp vào công tác phòng không nhân dân, bảo vệ trật tự trị an, cứu thương, tải đạn, phá gỡ bom mìn, trực tiếp chiến đấu... phối hợp cùng các đơn vị bộ đội, dân quân bắn rơi máy bay Mỹ. Toàn tỉnh khi đó có 92 trung đội nữ dân quân tự vệ; tất cả các tổ, đơn vị trực chiến đều có nữ tham gia. Thời kỳ “Ba đảm đang”, Quảng Ninh có 7 phụ nữ đạt danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng, 150 chiến sĩ thi đua, 891 phụ nữ tham gia cấp uỷ đảng cơ sở... Chị em đã khắc phục mọi khó khăn, gương mẫu làm tròn công việc được giao, thay chồng, thay con lo toan việc nước, việc nhà.
Lực lượng phụ nữ hăng hái lao động sản xuất và tham gia ngày càng đông vào nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Hoạt động của các cấp hội phụ nữ từng bước hướng vào việc giáo dục hội viên, tuyên truyền vận động chồng, con, em tòng quân, đóng góp đáng kể vào công tác hậu phương quân đội, vận động chị em tích cực chăn nuôi trong khu vực gia đình, trồng cây và thực hiện nếp sống văn hoá mới. Đặc biệt, nhân dịp kỉ niệm ngày phụ nữ quốc tế (8-3-1972), Quảng Ninh có 3 chị lập thành tích xuất sắc đã có vinh dự được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng thưởng huy hiệu Bác Hồ.
Chúng tôi may mắn tìm gặp và trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1938, trú tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) là công nhân nhà máy sàng thuộc Xí nghiệp bến Hòn Gai – một phụ nữ điển hình trong phong trào “Ba đảm đang” của ngành than ngày đó.

Khi hỏi về những ngày tham gia phong trào “Ba đảm đang”, bà nhanh nhẹn lấy bức ảnh đen trắng còn rất nét, được chụp vào tháng 12/1960 khi tổng kết phong trào “Ba đảm đang” ngày ấy. Bà nói: “Ngày ấy tự hào khi được là một trong những phụ nữ tiêu biểu, tôi được gắn 3 bông hoa hồng trên áo, và được đăng lên báo Vùng mỏ thế là vinh dự lắm rồi!”. Năm 1959, với công việc làm phân loại than tại nhà máy sàng, tôi và mọi người đều làm liên tục 2 ca/ngày, chưa nghỉ 1 ngày dù công việc khá nặng nhọc. Có chị có chồng đi chiến đấu, có chị chưa có gia đình nhưng tất cả đều làm việc quên thời gian, quên sự mệt mỏi chỉ với mục tiêu làm sao làm việc thật năng suất, chị em ai ai cũng thi đua giành danh hiệu “Ba đảm đang”, khí thế sôi nổi lắm. Và tháng 12/1959 tôi được kết nạp Đảng đợt đầu tiên của than Quảng Ninh”.

Có thể khẳng định rằng, trong những năm tháng đầy tự hào đó, cùng với cả dân tộc, phụ nữ Quảng Ninh đã cống hiến tất cả tài năng, sức lực của mình cho Tổ quốc, viết nên những trang sử vẻ vang trong thời đại Hồ Chí Minh, đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng phong trào “Ba đảm đang” vẫn sống động và ngân vang mãi trong trái tim chúng ta với bao niềm tự hào, kính phục về người phụ nữ Quảng Ninh cũng như toàn phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ 20. Đó là niềm khích lệ để phụ nữ Việt Nam tiếp tục cống hiến xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, lập nên những kỳ tích mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ý kiến ()