Đặt tên
Ngày nay cùng với “lập danh” của con người, trong lập nghiệp người ta thường nói tới “thương hiệu”. Doanh nghiệp, sản phẩm hàng hoá muốn thành công thì phải xây dựng được “thương hiệu”. Tên doanh nghiệp, tên nhãn hiệu sản phẩm là những gì để người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, và các đối tác làm ăn hình dung ra “giá trị” của doanh nghiệp, sản phẩm hàng hoá đó. Xây dựng “thương hiệu” chính là phấn đấu để tạo nên “danh hiệu và giá trị”.
Theo quy định hiện nay, thì trong một tỉnh tên doanh nghiệp không được đặt trùng nhau. Đây cũng là cơ sở đảm bảo sự thuận lợi cho công tác quản lý của Nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp, nhất là việc xây dựng thương hiệu. Chính vì thế mà hiện nay TP Hà Nội đang khó xử lý việc các doanh nghiệp có tên trùng nhau do sáp nhập địa giới hành chính.
Tên doanh nghiệp không được trùng nhau trong một tỉnh, nhưng hiện nay tên xã, phường, thị trấn lại vẫn đặt trùng nhau.
Ví dụ như tỉnh Quảng Ninh, cả TX Cẩm Phả và huyện Yên Hưng đều có xã Cộng Hoà; TP Móng Cái và TX Uông Bí đều có xã phường là Bắc Sơn. Còn huyện Đầm Hà đã có thị trấn Đầm Hà lại còn có xã Đầm Hà. Trước đây, Quảng Ninh cũng từng có 2 đơn vị cấp huyện trùng tên: TX Cẩm Phả (thường gọi là Cẩm Phả thị) và huyện Cẩm Phả (thường gọi là Cẩm Phả huyện).
Việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã trùng nhau không chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh, các tỉnh, thành khác cũng có tình trạng này.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu hợp tác thì việc đặt tên tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị hành chính cũng cần được quy định khoa học để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh và tạo thuận lợi trong quản lý, giao dịch.
Ý kiến ()