Đất cho nông dân
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội thảo "Nông dân bị thu hồi đất, thực trạng và giải pháp" vừa được tổ chức tại Hà Nội, thời gian qua tổng diện tích đất bị thu hồi trên địa bàn toàn quốc là 366,44 nghìn ha (chiếm 3,89% đất nông nghiệp đang sử dụng). Diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi hầu hết là vùng đất tốt, cơ sở hạ tầng thuận lợi cho việc canh tác, lại tập trung vào một số huyện, xã có mật độ dân số cao, trong đó có xã diện tích đất bị thu hồi chiếm tới 70 - 80% diện tích đất canh tác.
Theo thống kê, hiện nay trung bình mỗi hộ nông dân có 1,5 lao động và mỗi ha đất thu hồi ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 lao động nông nghiệp. Như vậy, việc thu hồi đất nông nghiệp và đất ở trong những năm qua đã tác động tới đời sống của của 627.495 hộ gia đình, khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu nông dân. Kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành tại 14 tỉnh, thành cho thấy, việc thực hiện định giá đền bù đất bị thu hồi cũng như tài sản chưa phù hợp với giá thị trường và khu tái định cư. Giá đất ở, giá nhà ở tại khu tái định cư thường cao hơn nhiều so với giá bồi thường về đất ở, nhà ở tại nơi ở cũ, gây nhiều khó khăn cho các hộ ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Tiền bồi thường đất nông nghiệp bị thu hồi thường không đủ để nhận chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để chuyển sang làm ngành nghề khác.
Trong khi đó, theo ông Nghi Quang Tám - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh, người nông dân sử dụng phần lớn số tiền đền bù đất vào việc mua sắm, xây dựng nhà cửa, có tiết kiệm lắm thì khoảng 5 - 7 năm sau họ cũng sẽ tiêu hết sạch số tiền đó và hậu quả là họ bị rơi vào tình trạng vô sản. Ông Nghi Quang Tám phân tích: "Ở địa phương tôi, người nông dân sử dụng tiền đền bù đất bị thu hồi như sau: tu sửa, xây dựng nhà ở 28,2%, mua đồ dùng sinh hoạt 8,9%, đầu tư mở mang ngành nghề 7,9%, học nghề 2,4%, thuê đất sản xuất nông nghiệp 1,6%, gửi tiết kiệm và cho vay 29,5%, mục đích khác 19,4%".
Một thực trạng đáng buồn nữa là do thiếu trình độ, sau khi bị thu hồi đất có tới 67% nông dân vẫn giữ nguyên nghề sản xuất nông nghiệp, 13% chuyển sang nghề mới và khoảng 20% khác không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Trong khi nông dân thiếu đất canh tác thì tại một số địa phương lại chạy theo phong trào phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị bằng mọi cách mà chưa cân nhắc đến hiệu quả, hoặc phát triển công nghiệp, dịch vụ và chưa chú ý đúng mức đến tác động đối với người dân bị thu hồi đất dẫn tới hệ lụy tất yếu là hiện tượng quy hoạch treo, quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị tràn lan là khá phổ biến, nhiều khu công nghiệp không thu hút được đầu tư, nhiều khu dân cư phải bỏ hoang. Ông Lã Văn Lý - Cục trưởng Cục Hợp tác xã và phát triển nông thôn cho biết: "Nông dân bị thu hồi đất mà không tìm được công việc mới, quay lại làm nghề nông thì lại đối mặt với nỗi lo không có đất để cấy cày, rơi vào cảnh thất nghiệp, nên dễ phát sinh các tệ nạn rượu chè, cờ bạc...".
Không có đất canh tác, lại không kiếm được công việc mới nên thu nhập của 53% số hộ nông dân bị thu hồi đất bị sụt giảm so với trước đây nên đời sống của họ đang gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra 4 nhóm giải pháp: hỗ trợ chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp khác thông qua đào tạo, hướng nghiệp, ưu tiên thực hiện tiếp nhận vào các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp - dịch vụ tại chỗ; phát triển các đô thị - dịch vụ liền kề gắn với khu công nghiệp để người nông dân có thể vào làm việc, tăng thu nhập thông qua phát triển các dịch vụ cho thuê nhà ở, ăn uống; hỗ trợ nông dân tận dụng quỹ đất nông nghiệp còn lại chuyển sang phát triển nông nghiệp đô thị đạt giá trị và hiệu quả cao... để tháo gỡ khó khăn cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Giải pháp thì đã có, việc thực hiện các giải pháp này trên thực tế đang gặp nhiều khó khăn và người nông dân không có hoặc thiếu đất canh tác vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo và tụt hậu.
Ý kiến ()