Ổn định thị trường xăng dầu
Những ngày qua, thông tin về việc khan hiếm mặt hàng xăng dầu trên thị trường, nhất là ở một số địa phương phía Nam đã gây lo lắng cho người dân và các đơn vị có nhu cầu sử dụng lượng xăng dầu lớn. Đặc biệt, cục bộ có một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu có hiện tượng đóng cửa hoặc hạn chế lượng bán ra nhằm găm hàng chờ tăng giá. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị và sinh hoạt, đời sống của người dân...
Xảy ra tình trạng này là do thời gian vừa qua giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng liên tục và đã đạt mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Ở trong nước, chủ yếu do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn vì khó khăn về tài chính nên đã phải cắt giảm công suất sản xuất và dự kiến ngừng sản xuất sau Tết Nguyên đán, dẫn đến không đảm bảo nguồn cung cho các doanh nghiệp đầu mối. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương xuất hiện tình trạng đóng cửa hàng hoặc rút ngắn thời gian mở cửa, bán nhỏ giọt, tìm nhiều lý do để trì hoãn mở cửa hoặc bán với giá cao hơn, gây tâm lý bất an cho người tiêu dùng. Đặc biệt, có hiện tượng găm hàng để trục lợi. Hiện tượng này diễn ra ở cả 3 loại hình doanh nghiệp: Đầu mối, thương nhân phân phối và nhất là ở các cửa hàng bán lẻ.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, những hiện tượng nêu trên mới chỉ xảy ra cục bộ, rải rác ở một số địa phương, nhưng nó sẽ trở nên phổ biến nếu không có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Và nếu không được tập trung xử lý nghiêm, dứt điểm, đúng luật thì sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế của quốc gia...
Mặc dù xuất hiện tình trạng khan hiếm xăng dầu trên thị trường ở một số địa phương, nhưng theo cơ quan chuyên môn, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex, PVoil, Tổng Công ty xăng dầu quân đội, Tổng Công ty hóa dầu quân đội, Công ty Hải Hà, Hải Linh, Hòa Khánh...( chiếm trên 90% thị phần) việc bán hàng xăng dầu vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Do vậy, không gây khó khăn gay gắt cho các khách hàng có nhu cầu sử dụng xăng dầu.
Mặc dầu vậy, việc khan hiếm nguồn xăng dầu bán ra ở một số địa phương cũng là dấu hiệu không lành mạnh của thị trường xăng dầu hiện nay. Điều này đòi hỏi cần phải có giải pháp, chiến lược khắc phục hiệu quả để thị trường xăng dầu ổn định vững chắc...
Tại Quảng Ninh, tuy là địa bàn có hoạt động kinh tế sôi động, nhiều nhà máy, xí nghiệp, mỏ than, khu công nghiệp, khu kinh tế với mức tiêu thụ xăng dầu lớn, nhưng qua kiểm tra của ngành chức năng trên địa bàn tỉnh ở các thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần không có hiện tượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự ý ngừng bán, găm hàng, đầu cơ để trục lợi. Đây là kết quả của sự chủ động trong việc tăng cường công tác quản lý đảm bảo cung ứng, dự trữ hàng hóa thiết yếu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán của các sở, ngành chức năng và các địa phương, nhất là trước những diễn biến phức tạp của giá xăng dầu thế giới và kế hoạch tạm dừng sản xuất, giảm công suất của các nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước...
Tuy vậy, để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh, tránh gây ra những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất- kinh doanh cũng như đời sống, sinh hoạt của người dân, thì bên cạnh những giải pháp ở tầm vĩ mô của các bộ, ngành Trung ương như tăng nguồn cung xăng dầu cả ở trong nước và nhập khẩu, xử lý nghiêm, dứt điểm các biểu hiện găm hàng, tăng giá để trục lợi, các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh cũng cần chủ động về nguồn hàng, cùng với đó là kiểm soát tốt thị trường xăng dầu trên địa bàn. Với các cửa hàng, đơn vị có biểu hiện lợi dụng sự khan hiếm xăng dầu để trục lợi cần được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh để răn đe chung và ngăn chặn để không trở thành hiện tượng phổ biến. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, đơn vị kinh tế của tỉnh duy trì hoạt động, phát triển ổn định, bền vững, vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây ra...
Ý kiến ()