
Đảm bảo công tác thông gió cho các mỏ hầm lò của TKV
Dưới những đường lò của ngành Than, ở nơi mà ánh sáng tự nhiên không thể chạm tới, sự an toàn của hàng ngàn thợ mỏ đang lao động ngày đêm được duy trì nhờ những làn gió từ các trạm quạt gió công nghệ cao. Những năm qua, các mỏ hầm lò của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư, vận hành các công nghệ quạt gió hiện đại bậc nhất, đồng bộ với hệ thống kiểm soát khí mỏ tập trung, tự động hóa; đảm bảo môi trường vi khí hậu và an toàn cho người lao động.
Công nghệ thông gió mỏ hầm lò được hiểu là một hệ thống cung cấp luồng không khí sạch tới các công trình dưới lòng đất của mỏ, với thể tích đủ để pha loãng và loại bỏ bụi nổ, khí độc cũng như để điều chỉnh nhiệt độ dưới hầm lò. Chính vì vậy, thông gió là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các mỏ khai thác than hầm lò trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam để đảm bảo an toàn cho diện sản xuất cũng như bảo vệ sức khỏe con người. Trong nhiều năm qua, đặc biệt khi các diện sản xuất ngày càng xuống sâu, TKV đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống thông gió, cảnh báo khí mỏ tự động. Trong đó, nổi bật là việc đưa vào vận hành các trạm quạt gió chính công nghệ cao.

Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin hiện đang duy trì hoạt động ổn định của 7 trạm quạt thông gió chính với tổng lưu lượng gió đạt trên 600m3/s. Mỗi trạm quạt gồm 1 quạt hoạt động và 1 quạt dự phòng; có khả năng cung cấp đủ gió cho tất cả các diện sản xuất của Công ty. Ngoài ra, Than Vàng Danh cũng đang vận hành 14 cửa gió tự động, giúp nâng cao sự ổn định cho mạng gió và tiết giảm nhân lực ở bộ phận đóng/mở cửa gió dưới lò.
Đây là những thiết bị điều tiết gió sử dụng pittong khí nén và động cơ điện để đóng, mở cửa. Khi có người hoặc phương tiện vận tải đến trước hoặc sau cửa gió, trạng thái của cửa gió được thông báo bằng đèn và âm thanh; sau đó cửa được đóng, mở hoàn toàn tự động. Công trình này đã thay thế công đoạn đóng, mở cửa gió bằng tay như trước; đồng thời giảm được số nhân công trực tiếp tại các cửa gió.
Anh Ngô Văn Cừ, Trưởng phòng Kỹ thuật - Công nghệ mỏ Công ty cho biết: Để nâng cao công tác an toàn và tiết kiệm nhân lực, trong 6 tháng đầu năm 2025, Công ty đã đầu tư và đưa vào hệ thống giám sát và vận hành quạt gió cục bộ từ xa (đang áp dụng cho khu III, khu IV mức -175/+105 GVD) với 10 quạt gió cục bộ. Các đường lò trên không còn phải bố trí công nhân vào sớm và ra muộn để vận hành quạt gió gối giữa các ca. Ngoài ra, Công ty cũng đã đầu tư lắp đặt các cửa gió tự động một cánh cho các thượng thông gió các đường lò có tiết diện nhỏ để hạn chế dò gió, nâng cao hiệu quả điều tiết mạng gió.

Ngoài việc đầu tư về thiết bị và con người, vấn đề quan trọng không kém trong công tác thông gió là việc áp dụng phương pháp thông gió, công tác tính toán, kiểm toán mạng gió một cách phù hợp với từng vùng tài nguyên.
Công ty Than Uông Bí - TKV đang áp dụng phần mềm Ventsim 5.4 - phần mềm hiện đại nhất hiện nay để phục vụ công tác tính toán chi tiết, mô phỏng hình ảnh 3D về hướng gió, đường gió, lưu lượng gió. Đối với công tác điều tiết lưu lượng gió, Công ty đang quản lý và vận hành 13 trạm quạt gió chính ở các khu vực Đồng Vông, Hạ My, Tràng Khê - Tràng Bạch, Hồng Thái, Đông Tràng Bạch.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cho biết: Diện sản xuất của Than Uông Bí phân tán, trải dài; điều kiện địa chất rất phức tạp, độ dốc lớn và thường xuyên biến động, khiến cho việc triển khai các biện pháp sản xuất và công tác an toàn khá vất vả. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tính toán, điều tiết mạng gió, đơn vị cơ bản đảm bảo tốt điều kiện làm việc cho người lao động, duy trì môi trường vi khí hậu ở mức đạt yêu cầu, từ đó làm tốt công tác an toàn lao động.
Mạng gió mỏ là hệ thống phức tạp với các thông số định tính và định lượng liên quan với nhau như sơ đồ và phương pháp thông gió, độ xuất khí, sức cản đường lò, sự phân phối gió, sản lượng khai thác than trong một ngày đêm, công nghệ khai thác…

Chính vì vậy, để đảm bảo hiệu quả thông gió, đáp ứng yêu cầu sản xuất, công nghệ thông gió sẽ được TKV tiếp tục nghiên cứu, đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ và phù hợp hơn với điều kiện thực tế của các mỏ. Bên cạnh đó, các mỏ cũng sẽ tiếp tục tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thông gió, nâng cao kỹ năng tính toán nội nghiệp và sử dụng thành thạo các phần mềm quản lý mạng gió, tính toán, cải tạo mạng gió. Đây là yếu tố quan trọng giúp các mỏ nâng cao hiệu quả công tác thông gió, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động theo hướng hiện đại, an toàn hơn trong thời gian tới.
Ý kiến ()