
Đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu giá BOT
Những ngày qua tình hình mất an ninh trật tự tại một số trạm thu giá BOT gây bức xúc trong dư luận nhân dân, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, đến thu hút xã hội hóa đầu tư của các địa phương… Để khắc phục tình trạng này vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 82/CĐ-TTg về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT.
Thu hút đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hợp đồng BOT được đánh giá là một cách làm hiệu quả trong huy động nguồn lực ngoài ngân sách, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.
Nhìn từ Quảng Ninh, với 4 dự án BOT giao thông đường bộ đang được triển khai thực hiện, Quảng Ninh đã là tỉnh đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao nhiệm vụ xây dựng đường cao tốc và Cảng hàng không. Với khoảng 60.000 tỷ đồng vốn xã hội hóa, tỉnh đang dần tháo gỡ được “điểm nghẽn” về hạ tầng để phát triển.
Điển hình như dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT (thuộc tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long), khi hoàn thành sẽ tạo thành tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Có tuyến cao tốc này thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Quảng Ninh còn khoảng 1 giờ 45 phút (hiện tại đi qua Quốc lộ 18 - Quốc lộ 10 - Quốc lộ 5 sẽ mất khoảng 3 giờ 45 phút), giảm chi phí vận chuyển hàng hóa và thời gian đi lại của nhân dân, doanh nghiệp.
Đồng thời góp phần thúc đẩy kết nối giao thương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như kết nối giao thương với quốc tế thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Hay như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, nhờ huy động nguồn lực ngoài ngân sách nên tới đây Quảng Ninh sẽ “mở cửa bầu trời” với các trung tâm kinh tế trong khu vực Châu Á bằng những giờ bay, nền tảng cho Đặc khu Vân Đồn trong tương lai gần.
Vận dụng, thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển, tỉnh Quảng Ninh cũng đặc biệt quan tâm đến giải quyết các vấn đề phát sinh đối với đời sống dân sinh liên quan đến các dự án BOT. Đó là, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận giảm 100% giá sử dụng dịch vụ đường bộ cho một số phương tiện của người dân có hộ khẩu thường trú tại hai phường Minh Thành (TX Quảng Yên) và Đại Yên (TP Hạ Long); giảm giá 100% cho phương tiện xe bus qua dự án và cho các xe công vụ của cơ quan nhà nước có trụ sở đóng trên địa bàn hai phường khi đi qua Trạm thu giá dịch vụ Đại Yên. Điều chỉnh mở thêm dải phân cách giữa qua những khu vực đông dân cư, qua các khu chợ, trường học hoặc vào các khu nghĩa trang; bổ sung cầu vượt dân sinh, cầu đi bộ qua Quốc lộ 18 trên địa phận TP Uông Bí; bổ sung hệ thống thoát nước hai bên Quốc lộ 18... Giải quyết trước các kiến nghị của nhân dân khu vực đặt Trạm thu giá tại Km153 (phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả) trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - nhân dân - nhà đầu tư nhằm không phát sinh phức tạp, khi đưa công trình vào khai thác và thu phí hoàn vốn cho dự án.
Không riêng Quảng Ninh mà thu hút đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT cũng đã và đang được các địa phương khác trong cả nước triển khai thực hiện, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng còn có những tồn tại, bất cập. Và những tồn tại bất cập này mà một số đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá... làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư. Chính vì vậy, tại Công điện chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết triệt để, lập tức có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại gây mất trật tự xã hội theo đúng quy định của pháp luật. Đảm bảo an ninh trật tự, môi trường đầu tư tốt trong hội nhập kinh tế, thu hút các nguồn lực để phát triển là chủ trương nhất quán cần tiếp tục triển khai.
Ngọc Lan
Ý kiến ()