
Đã uống rượu, bia - Cấm lái xe
Những ngày qua, trong bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình, có lẽ câu chuyện về cấm lái xe uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông được bàn thảo, trao đổi nhiều nhất, bởi quy định này liên quan đến mọi nhà.
Giờ đây, người điều khiển phương tiện giao thông từ xe máy, ô tô, máy kéo, xe máy điện… cho đến xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo, tàu, thuyền, máy bay... nếu uống rượu trước hoặc trong khi điều khiển phương tiện đều bị phạt. Những quy định này được nêu rõ trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm triệt để việc điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người - nghĩa là: "Đã uống rượu bia thì không được lái xe".
Ngoài ra, luật còn có điều khoản khác như cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia…
Cùng với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực thì một trong những quy định được nhiều người dân đặc biệt quan tâm, chú ý là Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vừa được Chính phủ ban hành, cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Đây là nghị định ban hành thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, trong đó bổ sung, mở rộng hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn và tăng cao mức hình phạt.
Cụ thể, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, nghị định quy định mức xử phạt cao nhất đối với người lái ô tô vi phạm từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng. Đối với người lái mô tô, xe máy, mức phạt cao nhất từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng. Với người chạy xe đạp, xe thô sơ mức phạt 400.000 - 600.000 đồng.
Ngoài việc tăng mức phạt vi phạm nồng độ cồn, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cũng tăng nặng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông như: Sử dụng chất ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc…
Câu chuyện về tai nạn giao thông gây thiệt hại nặng nề về người và kinh tế là vấn đề nhức nhối suốt nhiều năm qua của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đơn cử, chỉ tính riêng trong năm 2019, trên địa bàn toàn quốc xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, trong đó, 9.229 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, 8.397 vụ va chạm giao thông; làm 7.624 người chết, 13.624 người bị thương, 8.528 người bị thương nhẹ. So với năm 2018, số vụ tai nạn giao thông năm 2019 giảm 5,1%; số người chết giảm 7,1%; số người bị thương giảm 6,4%; số người bị thương nhẹ giảm 8,2%.
Nhìn vào những con số trên cho thấy, tuy 3 tiêu chí về tai nạn giao thông đều giảm nhưng số người chết, bị thương vẫn còn rất lớn. Đó là chưa kể những mất mát về tình cảm, kinh tế của mỗi gia đình nạn nhân cũng nặng nề không kém.
Uống rượu, bia sau đó lái xe là một tội ác. Việc lái xe sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện đã bị dư luận xã hội lên án, phản ứng mạnh mẽ trong thời gian qua. Chính vì vậy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo người dân, nhất là Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần. Và chắc chắn rằng, quy định mới sẽ giúp kiềm chế tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn mà nguyên nhân do uống rượu, bia gây ra.
Thái Bình
Ý kiến ()