Đã đánh giá đúng thực chất
Bất ngờ còn bởi chênh lệch quá lớn kết quả tốt nghiệp giữa các trường, giữa cùng một hệ cũng như khác hệ THPT và bổ túc THPT và cả sự chênh lệch kết quả giữa các tỉnh. Không ngờ rằng căn bệnh thành tích trong giáo dục, tiêu cực trong thi cử kéo dài nhiều năm qua lại “nặng” đến như vậy. Nếu căn cứ kết quả tốt nghiệp THPT năm học này là trung thực thì tỷ lệ tốt nghiệp các năm học trước có tới 30% là giả!
Được biết trong những ngày cuối tuần này, lãnh đạo Sở GD&ĐT của 15 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc vừa đang tổng kết công tác thi đua tại Móng Cái vừa ngóng trông kết quả thi tốt nghiệp THPT ở tỉnh nhà. Theo đồng chí Đỗ Văn Thuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh thì kết quả tốt nghiệp 74,57% đối với THPT và 36% đối với bổ túc THPT của Quảng Ninh là mức cao so với 15 tỉnh này. Nếu tính tỷ lệ tốt nghiệp chung cả hai hệ THPT và bổ túc THPT thì Quảng Ninh cũng chỉ đạt 67,33%.
Theo thông tin từ các báo, các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc như Yên Bái, Cao Bằng có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất thấp, khoảng hơn 20% (Yên Bái 26,68%, trong đó bổ túc THPT 13,38%; Cao Bằng, THPT 27,78%, bổ túc THPT 29,63%). Thái Nguyên tỷ lệ tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT đạt 52%, trong đó hệ bổ túc THPT đạt 22,42%. Đặc biệt, 3 Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh Yên Bái không có thí sinh nào đỗ tốt nghiệp. Bắc Giang có 60,56% thí sinh tốt nghiệp THPT; 14,6% tốt nghiệp bổ túc THPT. Tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp phổ thông của tỉnh Hoà Bình chỉ đạt 33,01%.
Từ kết quả thực chất này giúp cho chúng ta đánh giá sát hơn những vấn đề của giáo dục, không chỉ ở bậc phổ thông, mà cả ở bậc đại học, trên đại học.
Đánh giá kết quả tốt nghiệp THPT của năm học 2006-2007 không nên tiếc nuối cho là thấp nữa, mà cần phải thấy rõ đây là kết quả đúng thực chất. Có thể nói, kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT lần này chúng ta đã dũng cảm tự đánh giá đúng chất lượng dạy và học. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để chúng ta có được những giải pháp hiệu quả chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Ý kiến ()