
Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, các địa phương trong tỉnh đã có những cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Một trong số đó chính là làm tốt việc đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, quản lý sử dụng có trọng tâm, trọng điểm.
Nâng cao chất lượng đời sống
Tận dụng thế mạnh của địa phương, huyện Ba Chẽ đang từng bước trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh. Giai đoạn 2021-2024, bình quân mỗi năm huyện trồng mới được hơn 3.300ha rừng, độ che phủ rừng đạt 72,2%, riêng diện tích trồng rừng gỗ lớn là gần 2.700ha. Không chỉ đứng đầu toàn tỉnh về phát triển rừng, huyện còn tích cực phát triển kinh tế dược liệu với chủ lực là trà hoa vàng, ba kích, cát sâm. Với tổng diện tích trồng đạt gần 400ha, toàn huyện đang duy trì sản lượng khai thác khoảng 60 tấn dược liệu tươi mỗi năm. Dược liệu chế biến cũng được tiêu thụ với sản lượng khoảng 230 tấn/năm nhờ có hệ thống 28 cơ sở chế biến được thành lập, tạo thành chuỗi liên kết có hiệu quả, đảm bảo đầu ra ổn định và mức thu nhập khá cho người nông dân.

Chuyển biến tích cực về kinh tế của huyện Ba Chẽ đã phần nào cho thấy những tác động rõ rệt khi Nghị quyết số 06-NQ/TU đã đi sâu vào thực tiễn đời sống. Từ định hướng của tỉnh, giải pháp của địa phương này là tăng cường khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao. Huyện cũng liên tục triển khai các chương trình tư vấn về công nghệ, giống vốn, quy trình khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật; chú trọng các hoạt động xúc tiến hỗ trợ cho các nhà đầu tư, kết nối các dự án và các vùng trồng.
Còn tại huyện Bình Liêu trong vài năm gần đây, tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa, con người đã được khai thác để phát triển du lịch bền vững, đi vào chiều sâu, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Có thể thấy rõ định hướng này qua việc hệ thống giao thông mở rộng các tuyến đường chính và các tuyến đường liên xã, liên thôn để kết nối các điểm du lịch và khu vực dân cư... liên tục được quan tâm đầu tư nâng cấp. Chủ trương của huyện Bình Liêu còn bao gồm việc khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư, phát triển hạ tầng lưu trú, các điểm dừng chân; đầu tư các tiện ích phục vụ du khách, cung cấp hạ tầng viễn thông tại các điểm du lịch... Đón nhận những thời cơ mới, nhiều cá nhân, tập thể đã tích cực tham gia ngày càng nhiều hơn vào ngành du lịch như nhà nghỉ, nhà hàng, hướng dẫn viên. Nhất là đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của cộng đồng dân cư địa phương thông qua các mô hình quảng bá tập quán, văn hóa truyền thống, biến các trang phục, món ăn, lễ hội, phong tục của đồng bào trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.

Câu chuyện tại Ba Chẽ, Bình Liêu chỉ là những “lát cắt” cho thấy tác động mạnh mẽ từ Nghị quyết số 06-NQ/TU trong những năm qua, nhờ được triển khai thực hiện với nỗ lực, quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Bằng các chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể, riêng có, Quảng Ninh tập trung nguồn lực để tạo đột phá về kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển toàn diện KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Tiêu biểu là việc ưu tiên, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng động lực với vùng khó khăn, gắn kết với các trung tâm đô thị, KKT, KCN... nhằm tăng cường mở rộng liên kết, khai thác lợi thế kinh tế.
Tỉnh cũng đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng thông tin truyền thông cơ sở, với tỷ lệ 100% các thôn, bản được phủ sóng điện thoại di động; xóa các vùng lõm về sóng truyền hình và điện thoại di động nhờ hệ thống 6.359 trạm BTS trong toàn tỉnh. 100% số hộ dân được sử dụng điện an toàn và nâng cao chất lượng điện. Đồng thời, nhờ chủ trương ưu tiên đầu tư các công trình cấp nước tập trung, đến nay, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh của tỉnh đạt 99,99%. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-1:2018/BYT đạt 85,5%; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
Nguồn lực đầu tư cũng đồng thời tập trung sử dụng cho đầu tư hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa. Cụ thể giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 24 trường học các cấp; hỗ trợ các địa phương đầu tư mới các trường theo tiêu chí chất lượng cao; kịp thời, tiên phong ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ giáo viên học sinh vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Tỉnh cũng đã hoàn thiện đưa vào sử dụng 3 công trình y tế lớn và nâng cấp các thiết chế y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện và cơ sở phục vụ tốt chăm sóc sức khỏe nhân dân. 100% các thôn, bản vùng đồng bào DTTS có nhà văn hóa, đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động văn hóa cộng đồng. Người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại y tế cơ sở. Người DTTS sinh sống ở các xã mới ra khỏi diện khó khăn (khoảng 70.600 trường hợp) được hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ BHYT đến hết 31/12/2025 (Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND); tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 10,5% vào cuối năm 2024...
Nguồn lực đầu tư được sử dụng có hiệu quả, đáp ứng những mong mỏi, nhu cầu bức thiết của đồng bào vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Nhờ đó đã không chỉ mang lại diện mạo thay đổi, mà còn tạo động lực quan trọng để các tầng lớp nhân dân vững tin vào chủ trương, đường lối đúng đắn, đoàn kết thi đua xây dựng đời sống mới. Hết năm 2024, toàn tỉnh không còn hộ nghèo, chỉ còn 25 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương. Theo chuẩn nghèo của tỉnh, toàn tỉnh chỉ còn 8 hộ nghèo (0,002% dân số) và 1.197 hộ cận nghèo (0,31% dân số). Trong đó, 8 hộ nghèo là DTTS, chiếm 100% tổng số hộ nghèo; 811 hộ cận nghèo DTTS, chiếm 67,75% tổng số hộ cận nghèo. Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 83,79 triệu đồng/người/năm, so với năm 2020 là tăng 40,09 triệu đồng/người.
Tăng cường nguồn lực từ người dân
Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các chương trình xây dựng NTM, chương trình 135 với nhiều thành quả nổi bật nhờ phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân. Kinh nghiệm này đã tiếp tục được các cấp, ngành, địa phương của tỉnh vận dụng triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU những năm qua. Bằng việc quan tâm thực hiện tốt ngay từ các bước tuyên truyền, vận động, cho tới phát động, triển khai nhiều phong trào thi đua, nhân rộng những mô hình sáng tạo... đã góp phần nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của đông đảo cán bộ, nhân dân. Người dân trở thành người trực tiếp cùng thực hiện, đưa các nội dung của Nghị quyết số 06-NQ/TU đi nhanh vào thực tiễn.

Tháng 11/2023, UBND huyện Ba Chẽ đã có quyết định phê duyệt Dự án chỉnh trang trung tâm dân cư các thôn thuộc xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ. Địa phương đã đầu tư mở rộng, cải tạo các tuyến đường hiện hữu, hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng, rãnh dọc thoát nước tại 4 thôn Khe Lọng Ngoài, Khe Lọng Trong, Thành Công và thôn Khe Pụt với tổng mức đầu tư hơn 14,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ, phần còn lại từ ngân sách huyện và huy động nhân dân đóng góp. Điều đặc biệt trên tuyến đường này có tới 32 hộ dân thôn Khe Lọng Trong đã tự nguyện hiến đất, cây cối, vật kiến trúc với khoảng 3.000m2 đất vườn, đất nông nghiệp, 500 cây ăn quả các loại, 4.000m2 đất lâm nghiệp... để phục vụ công tác cải tạo, nâng cấp đường. Với phương châm hành động quyết liệt của chính quyền, nhà đầu tư, tuyến đường thôn Khe Lọng Trong dài hơn 1,3km được hoàn thành đúng tiến độ, đón nhận niềm vui hân hoan của đông đảo nhân dân trên địa bàn.
Câu chuyện ghi nhận tại xã Thanh Sơn không phải là cá biệt. Trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án về xây dựng kết cấu hạ tầng ở nhiều vùng, nhiều địa phương đã gặp không ít khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng. Nhưng câu chuyện về nhiều bà con người đồng bào DTTS ở miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng hiến vài trăm, thậm chí hàng nghìn m2 đất cho đầu tư xây dựng các công trình thật đáng trân quý. Từ sự cung cấp thông tin và tuyên truyền của chính quyền địa phương, bà con đã hiểu được ý nghĩa của việc phát triển hạ tầng là đem lại lợi ích cho chính họ. Vì vậy nhiều gia đình đã tích cực tham gia hưởng ứng, giúp cho địa phương sớm hoàn thiện các công trình, dự án, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn, miền núi của tỉnh ngày càng khởi sắc.
Không chỉ dừng lại như vậy, tổng thể nguồn lực đầu tư toàn diện cho vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh những năm qua cũng cho thấy cách làm hiệu quả của Quảng Ninh. Đó là kiên trì phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư”, lấy ngân sách Nhà nước là “vốn mồi” tạo ra động lực để thu hút các nguồn lực khác, tạo đột phá trong việc tập trung, ưu tiên dành nguồn lực cho Nghị quyết số 06-NQ/TU. Từ nguồn lực huy động được, tỉnh chủ trương chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt việc phân bổ, bố trí sử dụng có trọng tâm, trọng điểm sát các mục tiêu đã đề ra. Việc phân bổ kế hoạch vốn được rà soát kỹ lưỡng, ưu tiên cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, nhất là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, viễn thông, nước sinh hoạt... đảm bảo yêu cầu, tiến độ, phát huy tốt hiệu quả đầu tư.

Cụ thể, kết quả huy động nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong 5 năm (2021-2025) là trên 120.200 tỷ đồng. Trong đó, nguồn từ ngân sách nhà nước (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) khoảng 6.451,4 tỷ đồng, chiếm 5,37%. Nguồn từ ngân sách lồng ghép khoảng: 15.000 tỷ đồng, chiếm 12,46%, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội có tính lan tỏa, động lực. Phần đáng kể chính là vốn tín dụng (doanh số cho vay nông nghiệp, nông thôn trong 5 năm 2021-2025) là gần 97.500 tỷ đồng, chiếm 81,11%. Còn lại bao gồm vốn của tổ chức doanh nghiệp, HTX và nguồn huy động hợp pháp... cho thấy đã huy động được sự vào cuộc chủ động, tích cực của cộng đồng, doanh nghiệp, người dân.
Với vai trò của mình, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền đến nhân dân một cách phù hợp, hiệu quả. Trong 5 năm, Ủy ban MTTQ các cấp đã vận động nguồn lực xã hội hóa và hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.724 nhà ở và 860 nhà tiêu cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 107 tỷ đồng. Hay như các đơn vị LLVT tỉnh triển khai thực hiện tốt phong trào “chung tay xây dựng nông thôn mới”, tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU. Nổi bật đã tham gia đóng góp hàng trăm ngàn ngày công, hỗ trợ trên 50 tỷ đồng ủng hộ vào các quỹ do trên phát động, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các gia đình chính sách. Các phong trào đã tăng cường mối quan hệ, gắn bó tình quân - dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận an ninh vững chắc.
Qua hơn 4 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU, trong số 25 chỉ tiêu cụ thể thuộc 10 nhóm mục tiêu đến năm 2025, Quảng Ninh có 12 chỉ tiêu vượt, 9 chỉ tiêu đã đạt theo kế hoạch. Còn 4 chỉ tiêu chưa đạt cũng đang trong đúng lộ trình để hoàn thành vào cuối năm 2025. Nhân dân ngày càng được thụ hưởng các thành quả phát triển của tỉnh đã góp phần quan trọng giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn; tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Ý kiến ()