
Công chức cấp xã theo dõi công tác an toàn thực phẩm
UBND tỉnh vừa có công văn hướng dẫn phân công công chức cấp xã theo dõi công tác an toàn thực phẩm. Theo đó, từ 1/1/2018, công chức Văn hoá - Xã hội cấp xã sẽ kiêm nhiệm nhiệm vụ này.
Trên cơ sở số lượng cán bộ, công chức thực hiện đang bố trí, sử dụng, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phân công công chức Văn hoá - Xã hội thuộc UBND xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm nhiệm vụ theo dõi công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp xã. Việc phân công này không làm tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã được giao theo Quyết định số 2299/QĐ-UBND ngày 15/6/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Với sự phân công này, Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm cấp xã đã có công chức “chính danh” để tham mưu ban hành cùng tham mưu tổ chức thực hiện các văn bản, quyết định, kế hoạch, chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với đó công chức thực hiện nhiệm vụ Văn hóa - Xã hội cấp xã kiêm nhiệm: Chủ trì, phối hợp với Trạm y tế tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm đồng thời tổ chức giám sát việc thực hiện; tổ chức các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp thực hiện đăng ký và ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện chế độ thống kê, thông tin báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định...
UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kiến thức quản lý nhà nước về công tác an toàn thực phẩm để công chức cấp xã được phân công thực hiện tốt nhiệm vụ.
Với việc phân công nhiệm vụ này, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã được tăng cường tại cơ sở, tăng cường thông tin, tuyên truyền cũng như quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Ngày 3/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị tổng kết Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và khẳng định trong năm 2017 không để xảy ra mất an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT về cơ sở sản xuất an toàn, các đơn vị chuyên môn đã kiểm tra tại 1.769 cơ sở; cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 430 cơ sở; cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho 611 cơ sở với 723 người. Đồng thời triển khai Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT về thống kê cơ sở sản xuất ban đầu, đến nay các địa phương trong tỉnh đã thống kê được 14.501 cơ sở; trong đó ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn với 9.630 cơ sở.
Qua số liệu trên của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy chỉ riêng số lượng cơ sở sản xuất thực phẩm của ngành Nông nghiệp đã rất lớn. Vì vậy, nếu không có mạng lưới công chức cấp xã thực hiện nhiệm vụ theo dõi công tác an toàn thực phẩm thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình hiện nay.
Quảng Ninh là địa bàn có lượng lưu thông hàng hoá lớn, trong đó có hàng thực phẩm. Thực tế trên địa bàn Quảng Ninh đã thu giữ nhiều vụ hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn. Việc phân công kiêm nhiệm nhiệm vụ theo dõi công tác an toàn thực phẩm cho công chức Văn hoá - Xã hội cấp xã sẽ thêm lực lượng sát cơ sở, tăng cường cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng vừa có quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh. Việc củng cố hệ thống lực lượng thực hiện công tác an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở cho thấy quyết tâm của Quảng Ninh đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Nguyên Đan
Ý kiến ()