Công bằng trong chấp hành pháp luật
Đêm 30 Tết cả TP Hạ Long râm ran tiếng pháo với đủ các loại tiếng nổ to nhỏ khác nhau. Vỉa hè trên tuyến phố chính của thị trấn Mạo Khê (Đông Triều) đỏ rực xác pháo... Nhiều người nhận xét, Tết năm nay pháo nổ cứ như những năm chưa có quy định cấm pháo.
Xin được nhắc lại rằng, trước Tết, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, tiêu huỷ hàng chục tấn pháo nhập lậu. Và trước Giao thừa các phường, xã đều ra quân để giữ gìn an ninh trật tự và ngăn chặn việc đốt pháo. Vậy mà pháo vẫn nổ “kinh khủng” như vậy chứng tỏ một lượng pháo rất lớn đã “lọt lưới” để cùng “khai hoả” trong ngày Tết, đặc biệt là đêm Giao thừa.
Dư luận phản ánh không chỉ những người dân bình thường mà có cả cán bộ, đảng viên cũng tham gia vào việc đốt pháo. Trong khi đó trước Tết tất cả các hộ gia đình đều đã ký cam kết với chính quyền địa phương là không đốt pháo. Phải chăng đây là việc làm mang tính hình thức?
Pháo nổ nhiều như vậy nhưng số đối tượng bị phát hiện, lập biên bản vi phạm lại rất hãn hữu (!?). Điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm, thái độ kiên quyết của các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở là chưa cao. Thậm chí còn có tư tưởng ngại va chạm, ngại xử lý trong những ngày Tết...
Tại cuộc họp giao ban tháng 2 của Tỉnh uỷ, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ yêu cầu các trường hợp vi phạm quy định về đốt pháo (dù số bị lập biên bản có ít) cũng phải được xử lý nghiêm minh. Đặc biệt các trường hợp là cán bộ, đảng viên vi phạm phải được thông báo về các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý để có hình thức kiểm điểm, xử lý thích đáng.
Mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật. Người chấp hành tốt phải được biểu dương; người vi phạm phải bị xử lý. Đó là công bằng xã hội; là cơ sở để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.
Ý kiến ()