Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy
Thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và ma túy nói riêng luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm bằng nhiều nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với chủ trương, chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn của địa phương. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành một số Chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch trọng tâm về phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy; ưu tiên bố trí nguồn lực hàng năm 0,5% trên tổng chỉ tiêu thường xuyên ngân sách cấp tỉnh để hỗ trợ cho các chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mại dâm và phòng chống mua bán người.
Các lực lượng chức năng của tỉnh đã tập trung triển khai các phương án, kế hoạch chuyên đề về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, ngăn chặn các vụ buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, qua địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người sau cai nghiện ma túy.
Tính đến ngày 15/7/2023, toàn tỉnh có tổng số 1.983 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó: Số ở ngoài xã hội là 862 người (gồm 830 người đang điều trị tại các cơ sở điều trị Methadone, số còn lại đang hoàn thiện hồ sơ áp dụng các biện pháp cai nghiện), 516 người đang trong các cơ sở giam giữ, 605 người đang ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh còn có 880 người sử dụng trái phép chất ma túy; 416 người quản lý sau cai nghiện; 91 người có biểu hiện “ngáo đá”, loạn thần. So với thời điểm này năm 2022, số người nghiện tăng 5,9% (1.983/1871); số người sử dụng trái phép chất ma túy tăng 252% (880/250); số người quản lý sau cai giảm 17,5% (416/504), số đối tượng ngáo đá, loạn thần giảm 7,2% (91/98).
Tuy nhiên, hiện nay rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người sau cai nghiện ma túy đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, việc xác định tình trạng nghiện đối với ma túy tổng hợp rất khó khăn, phức tạp nhiều các biểu hiện của người được xác định tình trạng nghiện ma túy có thể gây nhầm lẫn với các bệnh tâm thần khác. Trong khi đó nhân lực bác sỹ tại các tuyến đặc biệt là tuyến xã và tuyến huyện hầu hết không có chuyên môn về chuyên khoa tâm thần nên việc xác định tình trạng nghiện ma túy cũng gặp những khó khăn nhất định, nhất là các trường hợp nghiện ma túy tổng hợp có các biểu hiện rối loạn tâm thần.
Mặt khác, Nghị định 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế chưa đồng bộ và không phù hợp với các quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành. Do đó còn khó khăn trong việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với những người vi phạm trong quá trình điều trị methadone trên địa bàn tỉnh (do theo Nghị định 90/2016/NĐ-CP những người áp dụng biện pháp điều trị thay thế trước đây không phải xác định tình trạng nghiện, dẫn đến khó khăn cho công tác áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc).
Công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hiện nay chưa thực hiện được do chưa có cá nhân, tổ chức, đơn vị công lập đăng ký, cung cấp dịch vụ này, nguyên nhân do quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là quá cao, không phù hợp. Công tác giám định chất ma túy mới chưa có trong danh mục, loại ma túy trộn trong đồ uống, thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, một số vụ việc phải trưng cầu giám định vượt tuyến lên Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an do cấp tỉnh không đủ điều kiện để giám định.
Để khắc phục những khó khăn này, các lực lượng chức năng của Quảng Ninh đã và đang tăng cường công tác phối hợp, giải quyết tốt nhất những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Đồng thời, kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan đề nghị bổ sung, sửa đổi những quy định còn bất cập hoặc chưa phù hợp với thực tế.
Ý kiến ()