Yên Tử: Còn mãi giá trị trường tồn
Theo thống kê của Sở Văn hoá - Thể thao, Quảng Ninh có trên 600 di tích phi vật thể là những công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ dòng họ, danh lam thắng cảnh. Có rất nhiều di tích mang giá trị “2 trong 1” - tức là di tích lịch sử văn hoá nhưng cũng là danh thắng. Tiêu biểu trong đó là Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.
Danh sơn Yên Tử gắn liền với sự ra đời, phát triển của Thiền phái Trúc Lâm nói chung, cuộc đời, sự nghiệp tu hành đắc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông nói riêng. Cùng với các đệ nhị, đệ tam tổ Trúc Lâm kế thừa sự nghiệp là Pháp Loa và Huyền Quang, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã để lại cho hậu thế một di sản văn hoá vô giá cả về vật thể và phi vật thể.
Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử bao gồm hàng chục chùa, tháp gắn liền với Trần Nhân Tông tại Yên Tử như: Dốc Hạ Kiệu, chùa Trình, chùa Giải Oan, thác Ngự Dội, am Dược, am Hoa, chùa Hoa Yên, chùa Bảo Sái, chùa Một Mái, chùa Đồng. Sang địa phận Đông Triều có am Ngoạ Vân, chùa Quỳnh Lâm. Tại Hải Dương có khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai. Trong đó, chùa Thanh Mai được coi là một trong 4 trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm, cùng với chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Quỳnh Lâm và Yên Tử. Chùa Thanh Mai hiện còn giữ được tấm bia đá “Thanh Mai Viên thông Tháp bi” được khắc dựng năm 1362, là một trong số ít tư liệu nguyên gốc cho thấy được thân thế, sự nghiệp, quá trình tu tập của đệ nhị tổ Pháp Loa (1284-1330). Hiện tấm bia đá này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Tại Bắc Giang, Phật giáo Trúc Lâm thời Trần tập trung ở khu vực Tây Yên Tử trải dài qua 4 huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động. Từ trung tâm là chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng), Phật giáo Trúc Lâm kết nối với chùa Mã Yên, chùa Hòn Tháp, chùa Cao, chùa Khám Lạng, chùa Bình Long, đền Suối Mỡ, đền Trần, chùa Hòn Trứng, chùa Hồ Bấc (huyện Lục Nam), chùa Am Vãi, chùa Đồng Vành (huyện Lục Ngạn), chùa Đèo Bụt, chùa Cầu, chùa Kim Quy (huyện Sơn Động).
Đã có một số hiện vật liên quan đến Yên Tử và Thiền phái Trúc Lâm đã được công nhận là bảo vật quốc gia như Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang Yên Tử, hộp vàng Ngoạ Vân - Yên Tử, bia “Thanh Mai Viên thông Tháp bi” ở chùa Thanh Mai (Hải Dương). Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), ngoài được công nhận Bảo vật quốc gia còn được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm đều đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Cũng là di sản văn hoá vật thể Phật giáo Trúc Lâm để lại tới ngày nay không thể không nhắc tới đó là đường tùng ở Yên Tử. Hàng trăm cây xích tùng, thuỷ tùng cổ tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành. Đã từ lâu, đường tùng Yên Tử đã được ví như sự thanh tao, linh thiêng, tụ khí của danh sơn Yên Tử. Ngoài ra, phải kể tới rừng trúc, rừng mai vàng Yên Tử tượng trưng cho sự cốt cách của các bậc tu hành. Cùng với các công trình chùa, tháp, am, hệ sinh thái, rừng tự nhiên của Yên Tử được bảo tồn tốt là nơi lưu giữ được rất nhiều loài động thực vật quý.
Cho tới nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu quy mô về Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, tư tưởng “Phật tại tâm”, “Thiền nhập thế”, đoàn kết, hòa hợp dân tộc của dòng thiền này, giá trị tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trong hình thành bản sắc nền văn hóa dân tộc Việt Nam và trong việc giữ nước. Không chỉ lan toả, phát triển suốt thế kỷ 14-15 mà tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm còn chi phối ảnh hưởng đến nhiều giai đoạn phát triển của Phật giáo Việt Nam tới ngày hôm nay.
Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đang được 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương phối hợp xây dựng hồ sơ trình UNNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Đây là minh chứng cho những giá trị trường tồn của di tích đặc biệt này.
Ý kiến ()