
“Mong muốn quảng bá quê hương Cô Tô rộng rãi cả trong nước và quốc tế…”
Lê Thị Kiều Trang (SN 1996) là cô gái có hoài bão. Từ Đại học Thăng Long (Hà Nội), Trang du học tại Đại học Kobe (Nhật Bản) chuyên ngành Quản trị kinh doanh theo chương trình liên kết trao đổi du học sinh giữa hai trường. Sau khi tốt nghiệp, Trang tiếp tục làm việc ở đất nước mặt trời mọc thêm 3 năm rồi trở về Việt Nam. Gần đây, Trang đã quyết định trở về vùng đảo Thanh Lân, Cô Tô quê hương để khởi nghiệp. Chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân và những khát vọng trẻ, cuộc trò chuyện với Kiều Trang gợi mở không ít điều thú vị.
- Vì sao đã “bay cao, bay xa” rồi, Trang lại quyết định trở về đảo?
+ Ở Nhật, em đã có một khoảng thời gian khá ổn định nhưng em nghĩ là tuổi trẻ thì nên dấn thân, trải nghiệm nhiều hơn nên em trở về. Hiện em chủ yếu làm online như các job ngắn, content creator (sáng tạo nội dung), trợ lý từ xa, khá thoải mái về vị trí làm việc nên em quyết định về nhà, đồng thời thử sức mình với lĩnh vực du lịch ở đảo. Em đi xa đã lâu, trở về đảo, em cũng được gần với gia đình hơn.
Hồi đi du học, em từng làm đại sứ du lịch cho một làng ở Hokkaido. Em cũng có kinh nghiệm trong làm truyền thông, vì vậy em nghĩ là mình sẽ có thể đưa hình ảnh của Thanh Lân, Cô Tô đến với mọi người nhiều hơn. Nơi đây có phong cảnh yên bình, những clip em làm cũng truyền tải được cảm giác yên bình, chữa lành tới cho mọi người, còn với em thì chính không gian này cũng giúp em tái tạo năng lượng và sáng tạo. Thời gian vừa rồi, em đã dành thời gian quảng bá cho Thanh Lân và bây giờ thì em bắt đầu hành trình khởi nghiệp với quầy cà phê, trà nhỏ theo phong cách Nhật ở đảo Cô Tô lớn.

- Khởi nghiệp với một quầy đồ uống thế này có nhỏ bé quá chăng?
+ Mọi người có thể nghĩ là bé nhưng với em đây cũng là xuất phát từ sở thích cá nhân. Em muốn mọi người ra đảo có thể trải nghiệm với đồ uống hương vị mới này. Vừa rồi, em đã làm một workshop gắn với trà cho khách du lịch trẻ tới Thanh Lân, người lớn có thể trải nghiệm pha trà, các em nhỏ làm tranh, chuông gió từ những vỏ sò, vỏ ốc nhặt được từ bãi biển trên đảo.
Bên cạnh đó, em vẫn cùng với gia đình kinh doanh homestay lấy tên là Home by the Sea Thanh Lân với 7 phòng. Cơ sở này do bố mẹ đầu tư, chị gái quản lý, còn nguồn khách do em chủ động khai thác trên trang Airbnb - trang chuyên dành cho các bạn trẻ đam mê trải nghiệm, khám phá tìm kiếm các địa điểm du lịch còn hoang sơ, yên tĩnh. Nhu cầu khám phá, trải nghiệm này rất phù hợp với Thanh Lân nên em khai thác tập trung nguồn khách ở đó. Home này gia đình em đã làm được mấy năm nay và đón phần lớn là khách nước ngoài, như khách Pháp, Đức, Na-Uy... Năm nay, em bắt đầu khai thác khách nội địa và khách Nhật nhiều hơn. Gần nhất là vừa rồi, em đã đưa một đoàn khách Nhật đầu tiên đến Thanh Lân để trải nghiệm…

- Khách Nhật thường là khách lớn tuổi, liệu các tour trải nghiệm, khám phá như thế có phù hợp không?
+ Đúng là như vậy nên lúc đầu em khá là lo. Nhưng ngược lại, đoàn khách Nhật này khi trải nghiệm một ngày ở đảo Thanh Lân, với rất nhiều hoạt động, như câu cá, bắt ốc, chèo thuyền kayak, xem ngư dân gỡ lưới chài… lại rất hào hứng, khỏe khoắn.
Với lịch trình 3 ngày 2 đêm, họ còn dành thời gian đến những bãi biển như Ba Châu, C76, Hải quân để vừa ngắm biển vừa thư giãn, ngắm nhà thờ và cuộc sống người dân đảo. Không chỉ yêu thích về cảnh quan, họ cũng yêu thích ẩm thực Việt Nam. Ở Thanh Lân, ngoài việc trải nghiệm những món hải sản tươi sống ở đảo thì họ còn trải nghiệm những món ăn truyền thống khác của Việt Nam, như là bún chả, nem cuốn, phở, ở đảo có bún hải sản, bún riêu hay những món ăn mọi người tự làm như xôi hoặc chè thì họ đều rất thích ăn.
Văn hoá Nhật có những nét khác biệt nhưng có lẽ mang tâm thế đi du lịch nên họ hoàn toàn muốn trải nghiệm ẩm thực địa phương. Dù vậy, nếu khách yêu cầu những gia vị riêng theo văn hoá Nhật mà không phải quá cầu kỳ thì mình vẫn có đầy đủ để đáp ứng, như là wasabi, gừng… Họ rất thích và còn hẹn là mùa thu này sẽ quay lại Thanh Lân.

- Vì sao em và gia đình lại chọn ưu tiên dòng khách nước ngoài?
+ Thực ra, em sống ở nước ngoài khá lâu, với du lịch Thanh Lân nói riêng và Cô Tô nói chung em sẽ phải học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Nhưng đối với cơ sở của gia đình thì mục tiêu của em là không cần quá đông khách, vì Thanh Lân thiên về sự hoang sơ và em rất muốn giữ gìn được những nét hoang sơ đấy và phát triển một cách bền vững nhất có thể.
Đối tượng mà em chọn sẽ là khách lẻ hoặc là khách gia đình không quá đông, khoảng 20-30 người trở xuống thôi để có thể cho mọi người những trải nghiệm tốt nhất, khám phá trọn vẹn ở đảo. Thêm nữa, Thanh Lân hiện giờ cũng chưa có đủ cơ sở hạ tầng vật chất, các dịch vụ để có thể đáp ứng nhiều khách cùng một lúc. Vì vậy, em vẫn muốn là du lịch nơi đây phát triển một cách từ từ, để có thể hội đủ các điều kiện phục vụ tốt nhất cho du khách.
Du lịch Cô Tô nói chung, Thanh Lân nói riêng hiện giờ vẫn nặng tính mùa vụ, chủ yếu là du lịch hè, vậy nên làm thế nào để mình có được đều khách? Đó cũng là lý do mà em hướng đến đối tượng khách nước ngoài, vì khách Việt thường hay đi du lịch vào mùa hè, nhưng khách nước ngoài lại đi du lịch cả vào mùa đông. Như home nhà em, lượng khách không nhiều nhưng ổn định trong cả năm.

- Chọn đối tượng khách không bị cạnh tranh theo số đông cộng với xu hướng du lịch sinh thái trải nghiệm hiện nay, theo em thì Cô Tô còn thiếu điều kiện gì để đáp ứng dòng khách đó không?
+ Du khách nước ngoài mà em tiếp xúc khi đến đảo đều đánh giá cao cảnh quan hoang sơ, đẹp, không gian trải nghiệm không quá ồn ào rồi đồ ăn ngon này, con người thì thân thiện... Khách cũng mong muốn cải thiện dịch vụ của nơi nghỉ đáp ứng tốt hơn trong thời tiết mùa đông, ví dụ như cần chuẩn bị đệm dày hơn hoặc là có những thiết bị để làm ấm phòng hơn…
Như vậy, em nghĩ là Cô Tô hoàn toàn có đầy đủ các điều kiện để đón khách nước ngoài, chỉ là bây giờ mình sẽ cần truyền thông nhiều hơn, để cho người ta biết đến Cô Tô không chỉ là mùa hè mà còn có rất nhiều những trải nghiệm khác ở những thời điểm khác trong năm. Các bạn trẻ cũng cần chủ động hơn trong truyền thông, nếu đón khách nước ngoài thì cần ngoại ngữ để giao tiếp tốt hơn.
- Là một người trẻ, em nghĩ mình và các bạn trẻ có thể làm gì cho du lịch Cô Tô phát triển bền vững hơn?
+ Khi em làm cho trải nghiệm cá nhân rồi kinh doanh cùng gia đình thì em cũng là một cá nhân đại diện cho đảo, thế nên em rất muốn quảng bá Thanh Lân, Cô Tô rộng rãi hơn, không chỉ là trong nước mà cả quốc tế. Các bạn trẻ bây giờ rất giỏi rồi, chỉ cần các bạn phát huy tốt nhất năng lực của mình thôi. Em nghĩ mỗi người đều có những năng lực, bản sắc riêng, mọi người hãy gìn giữ và phát triển lên nhưng cố gắng bằng sự chân thành nhất, có nghĩa là mình cần truyền tải thông điệp đấy một cách thật nhất, không nói quá lên về những cái hiện tại mình đang có.
Các bạn trẻ nắm bắt xu thế cũng như rất nhanh nhạy trong truyền thông, các kỹ năng tốt, thế nên cá nhân em cũng học hỏi được rất nhiều. Ngay ở Thanh Lân thôi, chúng em đã cùng nhau lập nhóm, đi quay, đồng hành để quảng bá cho hình ảnh Thanh Lân. Ngoài ra, mỗi người lại có những thế mạnh khác nhau, người thì cung cấp hải sản, người có dịch vụ xe, người có nhà ở, bọn em sẽ liên kết và hỗ trợ nhau làm du lịch trên cơ sở vẫn giữ thế mạnh, bản sắc cá nhân của mỗi người.

- Từ kinh nghiệm cá nhân, em có góp ý gì cho du lịch Cô Tô cũng như mong muốn gì về phía chính quyền để tạo điều kiện cho các bạn trẻ khởi nghiệp tốt hơn?
+ Là một người trẻ khởi nghiệp, em và các bạn trẻ gặp nhiều khó khăn, rất cần chính quyền có thể hỗ trợ về truyền thông, định hướng về các mô hình kinh doanh, nguồn vốn để khởi nghiệp...
Cô Tô hiện đang làm truyền thông rất tốt và em nghĩ cần phát huy, tiếp tục truyền thông những trải nghiệm thường nhật của các cá nhân, những tiktoker, nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Cùng với đó thì những trang chính thống cần truyền thông thêm, ví dụ như đâu là những cơ sở dịch vụ, vui chơi giải trí, điểm check in… đẹp, đáng tin cậy, rồi cung cấp giấy phép để du khách có được sự tin tưởng hơn.
Một điểm nữa là khách nước ngoài ra Cô Tô hiện nay phải khai báo 2 lần, một lần ở Vân Đồn trước khi lên tàu rồi ra tới đảo lại khai báo lần nữa. Em biết là an ninh, an toàn ở vùng biển đảo biên giới thì cần phải thắt chặt nhưng giá như có thể cải thiện bằng cách tích hợp thông tin, liên thông dữ liệu như thế nào đó để khách không phải khai báo nhiều lần thì sẽ thuận tiện hơn nhiều.
- Đi nhiều, dừng chân ở nhiều nơi, nay trở về Cô Tô, liệu đây sẽ là một trải nghiệm tiếp theo hay sẽ là một sự gắn bó lâu dài với em?
+ Chắc chắn là em sẽ có những trải nghiệm mới sau nhiều năm rời đảo rồi. Đây cũng là một cột mốc của em khi quyết định quay trở về đảo lập nghiệp, cũng là một chặng trải nghiệm mới. Em thực sự rất yêu Thanh Lân, yêu Cô Tô. Một lời hứa hẹn thì em không dám chắc chắn, còn tùy vào sự nghiệp của mình ở đảo phát triển ra sao nhưng em nghĩ nơi đây rất có tiềm năng nên em sẽ ở đảo một thời gian nữa.
- Cảm ơn Kiều Trang về cuộc trò chuyện!
Ý kiến ()